Chủ tịch Hiệp hội Thẻ Việt Nam cho rằng, mức phí rút tiền ở mức trần 3.000 đồng mà các ngân hàng đang áp dụng hiện nay đối với chủ thẻ cá nhân là bất đắc dĩ mới phải áp dụng...
Có nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng đang tận thu, phí chồng phí khiến các chủ thẻ đang phải gánh quá nhiều loại phí. Chia sẻ vấn đề này tại diễn đàn "Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững” ngày 8.5, ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Thẻ Việt Nam cho rằng các loại phí hiện nay hoàn toàn phù hợp với quy định theo thông lệ quốc tế.
Theo đó, tất cả vấn đề về phí thẻ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều có quy định mức trần và lộ trình rõ ràng. Hội năm nào cũng họp và cân nhắc về mức phí và so với quy định của NHNN thì lộ trình đang còn rất rộng.
Ông Tuấn cho biết thông lệ quốc tế cũng như Thông tư 35/2014/TT-NHNN về phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán... đều nêu rõ mọi loại phí bắt buộc, ví dụ phí phát hành hoặc thay đổi thẻ, phí thường niên... Còn phí giao dịch thì tùy ngân hàng, cơ bản có phí sao kê, rút tiền mặt, các dịch vụ tiện ích khác. Loại phí quy định theo Thông tư 35 là bắt buộc nhưng NHNN cũng quy định mức dao động từ 0 cho đến một mức trần, ví dụ như 0-3.000 đồng. Loại phí có nhưng mức bao nhiêu là ngân hàng quy định, tùy khả năng của mỗi ngân hàng trong từng giai đoạn.
Về mức phí, ông Tuấn cho rằng theo thống kê của các ngân hàng thì mức phí thu hiện nay vẫn còn thấp. Hiện nay, hệ thống thẻ phát hành chủ yếu là thẻ ghi nợ nội địa. Mục tiêu là khuyến khích khách hàng mở tài khoản ngân hàng, sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán mua bán hàng hóa dịch vụ.
"Lẽ ra xu hướng dùng tiền mặt giảm đi thì mức phí rút tiền phải giảm đi nhưng đang bị ngược lại. Tất cả giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ vẫn chi tiêu bằng tiền mặt nên người dân vẫn rút tiền mặt. Theo tôi mức phí rút tiền trần 3.000 đồng hiện nay là bất đắc dĩ mới phải áp dụng. Chúng tôi thống kê, giao dịch bằng thẻ ghi nợ nội địa trong vòng 5 năm gần đây đã tăng đáng kể, từ mức 0,7% năm 2013 đến nay lên con số gần 3%. Hiện nay, gần 3% là sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ, còn 97% là rút tiền mặt. Vấn đề là đến thời điểm nhất định, việc mua bán hàng hóa dịch vụ tăng lên được khoảng 20%, 80% rút tiền mặt thì mức phí rút tiền mặt phải điều chỉnh giảm chứ không thể tăng lên nữa", ông cho hay.
Ông Tuấn cũng lý giải các ngân hàng đưa ra con số từ 7.000 - 10.0000 đồng cho một chi phí giao dịch rút tiền mặt là vì trong điều kiện Việt Nam hiện rút tiền mặt vẫn còn nhiều, trong khi tuổi thọ của máy ATM bị rút đi nhiều so với các nước khác. Ngân hàng phải tính các chi phí bảo trì hệ thống, cung ứng tiền mặt cho các máy ATM. Các ngân hàng đều mong muốn thẻ dùng để giao dịch mua bán tăng lên thì các loại phí nói chung, nhất là phí rút tiền mặt sẽ giảm xuống.
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đang "rục rịch" tăng các loại phí dịch vụ với lý do đầu tư vào cơ sở hạ tầng để cải tiến dịch vụ hệ thống, nâng cấp các ứng dụng dịch vụ điện tử để gia tăng bảo mật. Cụ thể vào hôm qua 7.5, Agribank đã ra thông báo từ ngày 12.5 tới sẽ điều chỉnh nhiều mức phí đối với chủ thẻ ATM, như phí rút tiền nội mạng từ 1.100 đồng/lần lên 1.650 đồng/lần (gồm VAT), phí chuyển khoản liên ngân hàng tại máy ATM và trên ứng dụng E-Mobile Banking tăng lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/lần.
Trước đó từ ngày 1.3, Vietcombank cũng điều chỉnh một loạt biểu phí đối với khách hàng cá nhân. Trong đó, phí SMS Banking tăng từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng mỗi tháng (gồm VAT). Và nếu trước đây người dùng Vietcombank chuyển khoản trong Vietcombank qua app Mobile Banking được miễn phí thì từ 1.3 sẽ mất 2.200 đồng mỗi giao dịch.
Eximbank cũng áp dụng phí chuyển khoản nhanh qua tài khoản hoặc thẻ khác hệ thống, khác tỉnh, thành phố là 0,05% số tiền; DongA Bank áp dụng phí chuyển khoản qua Internet Banking khác hệ thống, khác tỉnh là 22.000 đồng/giao dịch hay VIB nếu trước đây miễn phí khá nhiều giao dịch thì nay cũng bắt đầu thu phí...
Tuyết Nhung