Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết Việt Nam được nhiều lần nhắc đến như một hình mẫu thành công cần được nhân rộng về ứng phó với biến đổi khí hậu, các nước đánh giá cao cam kết và tinh thần "nói là làm" của Việt Nam.
Theo dòng thời sự

Việt Nam là hình mẫu thành công về ứng phó biến đổi khí hậu

VGP 05/12/2023 07:45

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết Việt Nam được nhiều lần nhắc đến như một hình mẫu thành công cần được nhân rộng về ứng phó với biến đổi khí hậu, các nước đánh giá cao cam kết và tinh thần "nói là làm" của Việt Nam.

vn1.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị COP28 - Ảnh: VGP

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP28, tiến hành một số hoạt động song phương tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, từ ngày 28.11 - 3.12.

Vai trò, vị thế và tầm vóc của đất nước sau gần 40 năm đổi mới

Thứ trưởng cho biết, Hội nghị COP28 năm nay được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử, với sự tham dự đông đảo của gần 140 lãnh đạo cấp cao và khoảng 90.000 đại biểu. Việc Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tham dự hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, được nước chủ nhà và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị và chủ trì các sự kiện đa phương đã truyền tải thông điệp lớn về chính sách của Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ và đoàn Việt Nam tại hội nghị đã thể hiện được vai trò, vị thế và tầm vóc của đất nước sau gần 40 năm đổi mới. Trước bạn bè quốc tế, ta đã đề cao trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã nêu 12 biện pháp giảm phát thải khí nhà kính cũng như đảm bảo an ninh năng lượng, lợi ích người dân, mục tiêu phát triển kinh tế. Thủ tướng công bố kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), thu hút sự quan tâm và cam kết ủng hộ của các nước, tổ chức quốc tế.

Đánh giá cao cam kết và tinh thần "nói là làm" của Việt Nam

Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, đối với vấn đề toàn cầu là biến đổi khí hậu, Việt Nam tái khẳng định nỗ lực chung tay với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta không chỉ thể hiện cam kết qua lời nói mà có những hành động rất cụ thể để triển khai thực hiện các cam kết đó.

vn2.jpg
Việt Nam tái khẳng định nỗ lực chung tay với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh: VGP

Trong khuôn khổ COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những bài phát biểu rất quan trọng tại các diễn đàn khác nhau, trong đó thông điệp chính được gửi đến cộng đồng quốc tế là phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ cũng chia sẻ về chính những việc Việt Nam đã làm để thể hiện Việt Nam thực sự có quyết tâm, triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và khả năng quản trị để có quá trình chuyển đổi xanh một cách hiệu quả, bền vững.

Tại các cuộc gặp, các đối tác đều đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện coi trọng vị thế, vai trò và tiếng nói tích cực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Các nước cũng đánh giá cao cam kết và tinh thần "nói là làm" của Việt Nam.

Việt Nam được nhiều lần nhắc đến như một hình mẫu thành công cần được nhân rộng về ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều nước khẳng định sẽ hỗ trợ và đồng hành với Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, nâng cao năng lực thích ứng, qua đó góp phần thúc đẩy nỗ lực tăng trưởng xanh của Việt Nam nói riêng và của cộng đồng quốc tế nói chung.

Ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng

Ngoài dự COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có những hoạt động song phương tại UAE. Trước đó, Thủ tướng đã thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28 - 30.11.

vn4.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đánh giá chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng là bước đột phá trong quan hệ hai nước. Thủ tướng Chính phủ và các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất nhiều biện pháp quan trọng, trong đó phải kể đến việc thúc đẩy sớm mở Tổng lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại TP.HCM, mở cửa cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và nông sản của mỗi nước, hướng đến kim ngạch thương mại song phương lên mức 4-5 tỉ USD.

Một điều đặc biệt nữa của chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng là việc lần đầu tiên hai bên đã ra Tuyên bố chung đề ra những định hướng lớn, quan trọng, cũng như xác định các lĩnh vực cụ thể để mở rộng hợp tác, hướng tới nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Tại UAE, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các lãnh đạo nước này đã nhất trí một số biện pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh đàm phán và sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA), sớm nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỉ USD trong những năm tới; cũng như hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Halal, thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, xây dựng trung tâm tài chính, logistics, thể thao…

vn5.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó tổng thống UAE Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan - Ảnh: VGP

Trong khuôn khổ chuyến thăm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết 31 thỏa thuận hợp tác quan trọng với các đối tác UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và đối tác quốc tế trong các lĩnh vực an ninh, nông nghiệp, hàng không dân dụng, nguồn nhân lực, chuyển đổi số, cảng biển… góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác trong tương lai.

Lãnh đạo cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ và UAE đều khẳng định coi Việt Nam là đối tác hàng đầu, có vị trí đặc biệt quan trọng trong ASEAN và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, hàng không, phát triển nguồn nhân lực…

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, đối với các đối tác khu vực Trung Đông, việc Thủ tướng có 2 chuyến thăm đến khu vực này trong vòng 2 tháng gửi đi thông điệp về sự quan tâm và ưu tiên Việt Nam trong phát triển quan hệ với các đối tác đầy tiềm năng này.

Trung Đông vừa là thị trường có thể mở rộng hợp tác kinh tế, xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, vừa là nguồn thu hút vốn đầu tư rất lớn từ các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn. Chủ động tăng cường quan hệ với các quốc gia ở Trung Đông có ý nghĩa thiết thực trong khai mở thị trường mới, thu hút đầu tư và các nguồn lực mới phục vụ phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Bài liên quan
Kỹ thuật giúp lúa sống chung với nắng hạn của Việt Nam được ca ngợi
Trên Bưu điện Nam Hoa, Mohammad Yunus đã có bài viết về tình hình nắng nóng đe dọa cây lúa ở Đông Nam Á, đồng thời ca ngợi các sáng kiến chống khô hạn - trong đó có sáng kiến của nông dân Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam là hình mẫu thành công về ứng phó biến đổi khí hậu