Trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người/năm.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Hơn 2 năm qua, gần 40 nghìn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc

Hoài Lam | 01/10/2022, 17:56

Trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người/năm.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1.10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã trả lời báo chí về vấn đề cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc ở nhiều bộ ngành, địa phương.

Ông Thăng cho biết đây là vấn đề dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là báo cáo của Bộ Y tế với Tổng Liên đoàn Lao động về số lượng 9.397 nhân viên y tế bỏ việc, thôi việc, chuyển từ khu vực công ra khu vực tư trong 1năm rưỡi qua (tính trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022).

Đại diện Bộ Nội vụ cho hay, trong bối cảnh dịch COVID-19 năm 2020-2021 phát sinh nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh, liên quan đến việc làm, đời sống.

Trên tinh thần đó, Bộ Nội vụ có báo cáo Thủ tướng có văn bản gửi các bộ, ngành địa phương đề nghị các đơn vị báo cáo lại số liệu trong 2,5 năm từ năm 2020 đến 6 tháng 2022. Thời điểm này, Bộ Nội vụ nhận được được báo cáo của 28 cơ quan Trung ương, 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.

Kết quả là trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Như vậy, tính bình quân có khoảng 15.820 người/năm. Tỷ lệ nghỉ việc so với tổng biên chế được giao là 0,8%, trong đó ở Trung ương chiếm 18%, địa phương là 82%.

Trong 39.552 nghỉ việc có hơn 4.000 công chức, hơn 35.000 viên chức. Số nghỉ việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, ngành y tế là 12.198 người ….

“Có thể nói, ngoài y tế còn có giáo dục cũng có tỷ lệ nghỉ việc nhiều do áp lực, thu nhập, có thể phân thành các nguyên nhân có khách quan, chủ quan”, ông Thăng nói.

noi-vu.jpg
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

Về nguyên nhân khách quan, theo ông Thăng, Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có thị trường lao động, phát triển thị trường lành mạnh, khu vực công sang khu vực tư, xuất khẩu lao động đều là liên thông. Nền kinh tế nhiều thành phần, khu vực công - tư có sự cạnh tranh lao động…

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến vấn đề xã hội hóa, tự chủ đơn vị sự nghiệp. Theo các quy định của luật cán bộ, công chức, viên chức, các Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết Trung ương, nếu đơn vị sự nghiệp tự chủ quản trị như doanh nghiệp, nhiều đơn vị có chế độ ký hợp đồng thì việc ra vào khu vực công - tư là thường xuyên….

Về nguyên nhân chủ quan, theo ông Thăng, thứ nhất, Trung ương, Chính phủ có nhiều nghị quyết nâng cao chế độ chính sách tiền lương, nhưng chế độ chính sách còn nhiều khó khăn so với nhu cầu cuộc sống.

Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan đã báo cáo Chính phủ căn cứ tốc độ tăng trưởng kinh tế, báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét tăng lương thế nào cho phù hợp.

Ngoài ra, công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt với đội ngũ chuyên gia chưa tốt, nhiều người có kiến thức chuyên môn, năng lực giỏi sang làm việc tại khu vực tư với nhiều chính sách thu hút.

Hơn nữa, việc thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nên tại các cơ quan, đơn vị, khối lượng công việc gia tăng, tạo sức ép cho người lao động.

Một nguyên nhân nữa là do môi trường, điều kiện làm việc tại một số khu vực công chưa thật sự hấp dẫn, tạo cơ hội để cán bộ, công chức phát huy tốt năng lực.

Ngoài ra, nghỉ việc, chuyển việc còn vì lý do cá nhân, muốn thử sức, thay đổi công việc từ khu vực công sang tư, thay đổi định hướng nghề nghiệp…

Trước đó, theo số liệu của Bộ Y tế, hiện nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19.

Số liệu thống kê từ ngày 1.1.2021 đến 30.6.2022 cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc (3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác).

Trong đó có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của sở y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ.

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như TP.HCM có 2.035, Hà Nội có 1.032, Đồng Nai có 496, Bình Dương có 368 người...

Nguyên nhân theo Bộ Y tế là do áp lực công việc cao, thu nhập thấp, thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời áp lực của xã hội, gia đình và người thân...

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại phiên thảo luận về Luật giá (sửa đổi) chiều 19.9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay khi làm tổng Kiểm toán Nhà nước, 5 năm chỉ phải sửa 1 bộ luật đã thấy vất vả, khi sang đảm nhiệm Bộ Tài chính ông đã phải sửa 13 bộ luật, chưa kể thông tư, nghị định.

Ông Phớc cũng chia sẻ công việc rất vất vả do liên tục phải đọc, tổ chức hội nghị, nghiên cứu, tiếp thu trong khi bộ máy hiện nay rất khó khăn.

"Một số anh em xin nghỉ, kể cả vụ phó xin nghỉ việc, rồi trưởng phòng xin nghỉ việc. Tôi phải gặp, động viên suốt", ông Phớc báo cáo.

Bài liên quan
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Phát triển dược liệu đang nhận được rất nhiều sự quan tâm
Phát triển dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Hơn 2 năm qua, gần 40 nghìn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc