“Trên tinh thần hỗ trợ từ các bệnh viện địa phương, Trung ương có thể sẽ rút từ từ và trong quá trình rút, phải chuyển giao cho các bệnh viện của thành phố”.

Thứ trưởng Bộ Y tế: “Trung ương có thể rút từ từ và chuyển giao cho TP.HCM”

Hồ Quang | 26/09/2021, 16:34

“Trên tinh thần hỗ trợ từ các bệnh viện địa phương, Trung ương có thể sẽ rút từ từ và trong quá trình rút, phải chuyển giao cho các bệnh viện của thành phố”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã cho biết như thế tại buổi kiểm tra, làm việc với Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 đặt tại Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân, TP.HCM) vào hôm nay (26.9).

Theo PGS.TS.BS Lê Minh Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Quốc tế City), kể từ ngày đi vào hoạt động cho đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 500 bệnh nhân COVID-19 nặng, trong đó có nhiều ca phải đặt máy thở xâm lấn, thở máy oxy liều cao (HFNC) và đặt nội khí quản.

thu-truong-o-y-te-trung-uong-co-the-rut-tu-tu-va-chuyen-giao-cho-tphcm-hinh-anh(1).png
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đang kiểm tra hoạt động Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 đặt tại Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân, TP.HCM) vào sáng nay (26.9)- Ảnh: TT

“Rất nhiều trường hợp người bệnh nặng được cứu sống ngoạn mục và xuất viện. Đó là động lực để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên tiếp tục cống hiến và làm việc hết mình không quản ngày đêm”, bác sĩ Khôi chia sẻ.

Với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ và các tình nguyện viên, tính đến nay, Trung tâm đã có hơn 200 trường hợp được xuất viện, trong đó hơn 100 bệnh nhân thở oxy lưu lượng cao (HFNC) được trở về bên gia đình. Hiện tại, số bệnh nhân đang được điều trị là gần 200 người.

Để làm được điều này, theo bác sĩ Khôi, ngay từ khi thành lập Trung tâm, đội ngũ nhân lực đã được chú trọng. Hơn 600 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và các tình nguyện viên đã được điều động, cùng đồng lòng, chung sức làm việc tại đây. Các y, bác sĩ, nhân viên y tế chia ca kíp, thay phiên làm việc ngày đêm. Máy móc, trang thiết bị tại trung tâm được Bộ Y tế cung cấp. Ngoài ra, bệnh viện còn đầu tư và huy động nguồn lực xã hội để chuyển đến những máy móc hiện đại như máy thở, máy oxy liều cao, máy lọc máu, máy ép tim, máy siêu âm, bình oxy... đảm bảo cho công tác điều trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá rất cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các y, bác sĩ, tình nguyện viên tại đây trong việc thần tốc xây dựng trung tâm, bố trí đảm bảo nhân lực trong một thời gian ngắn để đi vào vận hành, và kịp thời cứu chữa hàng trăm bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên.

“Đây là một trong những Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng của tuyến Trung ương do Bộ Y tế thiết lập. Với sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế và các tình nguyện viên, Trung tâm đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Chúng ta đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, để mang lại những hy vọng cho cuộc đời của các bệnh nhân, giúp họ sớm trở về đoàn tụ với gia đình”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Về việc TP.HCM sẽ có kế hoạch đảm bảo sự an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch sau ngày 30.9, Thứ trưởng cho biết, trước mắt, ngành y tế sẽ phải tái cơ cấu lại hệ thống các trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến theo tình hình chung trong công tác phòng, chống dịch của TP.HCM. Ngành y tế sẽ phải tính toán kỹ bệnh viện nào có thể “rút quân”, trên tinh thần hỗ trợ từ các bệnh viện địa phương, Trung ương có thể sẽ rút từ từ, và trong quá trình rút, phải chuyển giao cho các bệnh viện của thành phố.

“Chắc chắn các bệnh viện tầm cao của TP.HCM sẽ là những đơn vị chủ yếu tiếp nhận chuyển giao từ các bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, khi mở cửa để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa… thì y tế vẫn là ngành nặng gánh nhất. Do đó, về mặt y tế cần phải làm rất kỹ, để làm sao có một khoảng thời gian gối đầu”, Thứ trưởng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Bộ Y tế: “Trung ương có thể rút từ từ và chuyển giao cho TP.HCM”