"Giá xăng dầu Việt Nam đứng thứ 85/170 quốc gia, đây là mức giá trung bình trên thế giới. Vì vậy nói giá xăng Việt Nam thấp hay cao là khập khiễng".

Thứ trưởng Công Thương: Nói giá xăng Việt Nam thấp hay cao là khập khiễng

Tuyết Nhung | 16/06/2022, 18:58

"Giá xăng dầu Việt Nam đứng thứ 85/170 quốc gia, đây là mức giá trung bình trên thế giới. Vì vậy nói giá xăng Việt Nam thấp hay cao là khập khiễng".

Trả lời báo chí về vấn đề nhập khẩu xăng dầu từ phía Malaysia chiều 16.6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương rất cám ơn và trân trọng những ý kiến, nguồn thông tin góp phần làm tăng thêm nguồn cung xăng dầu cho đất nước trong bối cảnh hiện nay. Nguồn cung xăng dầu trên thế giới đang bị ảnh hưởng, trách nhiệm của Bộ Công Thương là phải đảm bảo trong mọi tình huống nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu của người dân.

thu-truong-do-thang-hai.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: Internet

Thứ trưởng cho biết, theo các đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện nay tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế. Việt Nam đang chọn Sàn Singapore về giá cả xăng dầu hàng ngày là bao nhiêu. Đây cũng là cơ sở để chúng ta tính giá xăng dầu.

"Hiện nay, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu Việt Nam vẫn nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Malaysia tương đương với mức giá ở các thị trường châu Á khác. Còn vấn đề viện trợ, hay không hoàn lại thì tôi không nói. Còn đã là doanh nghiệp thì phải mua như vậy và được tiếp cận như nhau.

Giá xăng dầu Việt Nam đứng thứ 85/170 nước, đây là mức giá trung bình trên thế giới, là giá trị tuyệt đối. Vì vậy, nếu chúng ta nói giá xăng Việt Nam thấp hay cao là khập khiễng. Chúng ta muốn đánh giá giá xăng Việt Nam cao hay thấp thì phải có cái nhìn tổng thể, kỹ càng, ví dụ phải đánh giá thu nhập bình quân đầu người, nhu cầu người dân, thậm chí là đối tượng nào... Còn nói giá xăng Việt Nam thấp hay cao thì khó nói", ông Hải cho hay.

Về vấn đề thuế phí, ông Hải cho biết, Bộ Công Thương có quan điểm giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường. Vấn đề này đã được đưa ra họp và bàn luận. Vì vậy, sẽ không chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu.

Trong khi đó, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giá bình quân xăng dầu trên thị trường Singapore để tính giá xăng dầu trong nước ngày 13.6 vừa qua so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 41,36% đến 84,35%. Nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 13.6 vừa qua so với đầu năm 2022 tại Việt Nam thì chỉ tăng từ 24,42% đến 62,44%. Vì vậy, bà Nga khẳng định: "Có thể thấy rằng, cơ quan quản lý đã cố gắng để giảm tăng sốc cho thị trường trong nước".

Thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước thời gian qua có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35 - 40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất (trong tháng 1 và tháng 2 đã giảm công suất xuống mức 85%, 60% và 55%) và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Trước tình hình trên, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý 2/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3, dự kiến nhu cầu mỗi quý khoảng 5,2 triệu m3. Trong quý 2, dự kiến nguồn cung khoảng 7,2 triệu m3 (gồm sản xuất trong nước là 3,2 triệu m3, nhập khẩu khoảng 2,5 triệu m3, tồn kho Quý trước chuyển sang là 1,5 triệu m3). Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý 2 và tồn kho gối đầu sang quý 3 khoảng 2 triệu m3.

Trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, cơ quan này cho biết sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp, áp dụng mức chiết khấu hợp lý, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.

Thời gian tới nếu giá tiếp tục tăng cao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ quỹ BOG để điều hành bình ổn giá xăng dầu. Phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sử dụng các công cụ khác như thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu như xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… trong cơ cấu giá xăng dầu.

Bài liên quan
Bộ Tài chính dự kiến đề xuất giảm tiếp thuế môi trường để kìm giá xăng dầu
Bộ Tài chính dự kiến tiếp tục đề xuất giảm một số sắc thuế và các giải pháp điều hành giá liên quan đến xăng dầu để hạn chế vòng xoáy lạm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Công Thương: Nói giá xăng Việt Nam thấp hay cao là khập khiễng