Nhiều doanh nghiệp xây dựng ở vùng ĐBSCL đang chới với giữa vòng xoáy của cơn “bão giá” xăng dầu và vật tư xây dựng.
Từ đầu quý II đến nay, nhiều chủ doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL chật vật tìm cách “xoay vốn” để triển khai các công trình, dự án vừa trúng thầu. Khác hẳn với không khí nhộn nhịp của những năm trước, năm nay nhiều doanh nghiệp cảm thấy bất an mỗi khi được… trúng thầu.
Sự bất an này do giá cả các mặt hàng vật tư xây dựng như sắt thép, xi măng, cát, đá… liên tục tăng. Với những hợp đồng dưới 20 tỉ đồng thì khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng với chủ đầu tư sẽ không được điều chỉnh giá, trong khi đó, giá xăng dầu, vật tư xây dựng vào thời điểm hiện tại tăng liên tục khiến nhà thầu cầm chắc thua lỗ, nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản.
Ông T., chủ một doanh nghiệp xây dựng ở Bạc Liêu than: “Giá cả xăng dầu, vật tư xây dựng cứ đà tăng vùn vụt như thế này thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp chúng tôi. Lấy ví dụ giá dầu, trước đây chỉ có 16.000 – 17.000 đồng/lít thì nay sau nhiều lần điều chỉnh thì nó đã phóng lên 27.000 đồng/lít. Còn giá sắt theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư chỉ khoảng 18.000 đồng/kg nay đã lên 22.000 đồng/kg rồi. Đó là chưa kể các mặt hàng khác như cát, đá, xi măng… cũng tăng theo. Hầu như năm nay doanh nghiệp nào cũng chung số phận, ai trụ được thì vượt qua, còn không vượt được thì phá sản”.
Trước những biến động về giá cả thị trường của một số mặt hàng trong lĩnh vực xây dựng, ông K. chủ một doanh nghiệp xây dựng khác ở Cà Mau đã tính đến chuyện bỏ nghề. Năm nay, xác định là một năm đầy thách thức của doanh nghiệp xây dựng nên ông K. đã rất cân nhắc để tham gia một vài gói thầu nhỏ để duy trì hoạt động và nuôi nhân viên của mình. Từ khi giá xăng dầu, vật tư xây dựng tăng “phi mã”, ngày nào ông K. cũng xách xe đi kiểm tra từng công trình của mình để tránh thất thoát.
“Trước đây khi các mặt hàng phục vụ cho xây dựng được bình ổn nên tôi ít đi kiểm tra công trình lắm. Ngồi nhà giám sát qua hệ thống camera an ninh thôi. Còn hiện nay, tôi không dám bỏ phế, ngày nào cũng đi giám sát các công trình để xem thợ làm việc thế nào, kiểm tra khối lượng vật tư nhập vào sử dụng ra sao để mình cân nhắc. Chứ lúc này mà bỏ phế thì chết liền. Tôi cũng dự tính làm thêm một vài năm nữa rồi dần rút khỏi lĩnh vực xây dựng. Bây giờ làm ăn khó quá, không có lãi”, ông K. chia sẻ.
Còn ông P. chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp các vật tư xây dựng ở Cà Mau tâm tình rằng, do ảnh hưởng của thị trường xăng dầu nên các mặt hàng vật tư xây dựng thời gian qua có nhiều biến động. Điều này, vô tình khiến cho người dân và doanh nghiệp cũng chịu chung số phận. Người dân thì gặp khó trong việc xây dựng nhà ở riêng lẻ do chi phí đội lên cao, còn doanh nghiệp thì chật vật để công trình hoàn thành đúng tiến độ.
“Tôi là cơ sở cung ứng vật liệu cho thị trường, nói chung vật tư tăng thì mình tăng, giảm thì mình giảm chẳng sợ thua lỗ như nhà thầu. Tuy nhiên, do giá dầu tăng cao nên chi phí vận chuyển cũng phải có chênh lệch. Việc giá cả vật liệu biến động như vậy, người dân rất dè dặt khi lựa chọn xây dựng nhà ở.”, ông P. cho biết.
Theo một lãnh đạo tại Ban quản lý các dự án xây dựng ở Cà Mau, hai năm nay nhà thầu xây dựng gặp khó rất nhiều, nếu như năm trước bị ảnh hưởng của COVID-19, còn năm nay họ lại chịu nhiều áp lực do “bão giá” vật liệu và xăng dầu. Nhiều doanh nghiệp đang điêu đứng nhưng vẫn phải cố gắng hoàn thành công trình để giữ chữ tín với chủ đầu tư cho những năm tiếp theo.
"Mong sao, cấp trên nhìn thấy và sớm đưa ra giải pháp kịp thời để gỡ khó cho các doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản nếu như không được cấp có thẩm quyền can thiệp, bình ổn thị trường trong điều kiện khó khăn như hiện nay”, vị lãnh đạo này cho hay.
Trước những biến động về giá trong lĩnh vực xây dựng, ngày 15.4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành gửi các đơn vị có liên quan về việc biến động giá nhiên, vật liệu đối với các dự án công trình xây dưng giao thông.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đảm bảo đầy đủ thông tin của các vật liệu công trình xây dựng giao thông.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ GTVT về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định.
UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng công bố giá và chỉ số các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý, bình ổn giá các VLXD công trình giao thông nói chung và các dự án trọng điểm quốc gia theo quy định.