Úc đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với hợp chất amoni nitrat được nhập khẩu từ Việt Nam.

Úc khởi xướng điều tra chống bán phá giá với hợp chất amoni nitrat từ Việt Nam

Tuyết Nhung | 13/06/2022, 19:10

Úc đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với hợp chất amoni nitrat được nhập khẩu từ Việt Nam.

Ủy ban chống bán phá giá Úc (ADC) vừa thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với hợp chất amoni nitrat có xuất xứ từ Chile, Lithuania và Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hàng hóa bị điều tra là hợp chất amoni nitrat ở thể rắn, ở dạng viên, hạt hoặc các hình dạng rắn khác, có hoặc không có chất phụ gia và chất phủ, được đóng kiện trên 10kg.

Tại Úc, hợp chất này chủ yếu được sử dụng làm nguyên liệu để điều chế thuốc nổ dùng trong ngành khai thác và xây dựng, ngoài ra cũng được sử dụng để sản xuất phân bón trong nông nghiệp (phân đạm) và một phần nhỏ để sản xuất khí y tế đặc biệt.

Đây là hợp chất dễ gây nổ, được phân loại là nhóm hàng nguy hiểm tại Úc và được phân loại trong danh mục sản xuất có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó tại Việt Nam.

Về phân loại theo mã HS theo Bản câu hỏi điều tra là 3102.30.00. Mã HS này chỉ có tính chất tham khảo, bao phủ hàng hóa bị điều tra và không bị điều tra. Các doanh nghiệp cần kiểm tra đối chiếu với mã HS khi xuất khẩu và mô tả sản phẩm của ADC.

Thời kỳ điều tra bán phá giá từ 1.4.2021 đến 31.3.2022; thời kỳ điều tra thiệt hại từ 1.4.2018; thời hạn nộp Bản trả lời câu hỏi chậm nhất ngày 15.7.2022. Biên độ bán phá giá do ADC ước tính với Việt Nam là 34,8%; Lithuania là 36,6% và Chile là 38,5%.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, theo thống kê từ trang Trademap, tổng lượng nhập khẩu amoni nitrat vào Úc trong năm 2021 đạt khoảng 71.251 tấn, tương đương với kim ngạch 23,36 triệu USD, trong đó 3 nước bị điều tra trong vụ việc này (gồm Lithuania, Việt Nam và Chile) thuộc nhóm 5 nước xuất khẩu amoni nitrat lớn nhất vào thị trường Úc với thị phần xuất khẩu năm 2021 lần lượt là 29,61%; 22,68% và 10,53%.

Ghi nhận của Trademap còn cho thấy, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu amoni nitrat sang Úc vào năm 2019 với lượng xuất khẩu thay đổi lớn trong giai đoạn 2019-2021 từ 6,7 nghìn tấn năm 2019 lên khoảng 38,6 nghìn tấn năm 2020 (tăng gần 6 lần) và giảm xuống còn khoảng 16,2 nghìn tấn năm 2021, tương đương với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 2,56 triệu USD; 12,13 triệu USD và 5,07 triệu USD.

Dự kiến, thời gian Ủy ban chống bán phá giá Úc (ADC) ban hành kết luận điều tra sơ bộ vào ngày 7.8.2022 – 60 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra.

Ngoài ra, thời gian Ủy ban chống bán phá giá Úc ban hành Bản dữ kiện trọng yếu (SEF) – cơ sở cho Kết luận điều tra cuối cùng sẽ là ngày 26.9.2022. Thời hạn các bên gửi bình luận đối với Bản dữ kiện trọng yếu (SEF) trong vòng 20 ngày kể từ ngày công bố SEF; thời gian ADC ban hành Kết luận điều tra cuối cùng là ngày 10.11.2022; Ngày Bộ trưởng Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên Úc chính thức ra Quyết định (dự kiến): trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận điều tra cuối cùng.

Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp nếu trong trường hợp có xuất khẩu amoni nitrat sang Úc trong giai đoạn điều tra, doanh nghiệp cần chủ động liên lạc với Ủy ban chống bán phá giá Úc để đăng ký tham gia vụ việc và trả lời Bản câu hỏi điều tra gửi tới Ủy ban chống bán phá giá Úc trong thời hạn quy định (ngày 15.7.2022).

Còn trong trường hợp nộp muộn hoặc không trả lời Bản câu hỏi, cơ quan điều tra sẽ không xem xét thông tin cho doanh nghiệp cung cấp và áp mức thuế chống bán phá giá cao, gây bất lợi tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp sang Úc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng Hồ sơ yêu cầu điều tra của nguyên đơn để có thông tin phản biện (nếu có); đồng thời đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp Bản câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn quy định; hợp tác đầy đủ và toàn diện với Ủy ban chống bán phá giá Úc trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong Bản trả lời câu hỏi.

Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp hợp tác tốt và tham gia vụ việc tích cực, doanh nghiệp có thể nhận được mức thuế tích cực. Liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời.

Bài liên quan
Mật ong Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ điều tra chống bán phá giá
Mật ong Việt Nam cùng Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraine nằm trong danh sách có nguy cơ bị Mỹ điều tra chống bán phá giá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Úc khởi xướng điều tra chống bán phá giá với hợp chất amoni nitrat từ Việt Nam