Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành một lượng trái phiếu rất lớn và có hạn trả nợ vào cuối năm 2022 và năm 2023. Đây là áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Đáo hạn trái phiếu sẽ là áp lực rất lớn cho DN thời gian tới

Sơn Lam | 17/02/2023, 10:35

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành một lượng trái phiếu rất lớn và có hạn trả nợ vào cuối năm 2022 và năm 2023. Đây là áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới.

Giá bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa?

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, không thể tránh được những vấn đề phát sinh, những mâu thuẫn cần giải quyết.

“Đây là điều tất nhiên vì nước ta đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành trong điều kiện biến động cả bên trong và bên ngoài; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, trong nội tại vẫn còn nhiều khó khăn, mặt khác lại hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở cao, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đặt vấn đề, đối với thị trường bất động sản, phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu. “Phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?”.

sinh-2.jpg
Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2022, nguồn cung bất động sản, nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung - cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu.

Giá bất động sản nhà ở, đất nền năm 2022 liên tục tăng trong quý 1 và quý 2; quý 3 chững lại; quý 4 có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản trong quý 4 (tính đến 31.12.2022) là gần 800.000 tỉ đồng.

Tính đến 25.12.2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỉ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là khoảng trên 400.000 tỉ đồng (chiếm khoảng trên 30%).

Theo ông Sinh, năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được các nguồn vốn (tín dụng, trái phiếu...); lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; không bán được sản phẩm... dẫn đến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; tinh giản tối đa bộ máy, dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án…

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh rất khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Lãi suất cho vay giai đoạn cuối năm 2022 tăng.

“Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian qua phát hành một lượng trái phiếu rất lớn (hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng) và có hạn trả nợ vào cuối năm 2022 và năm 2023. Đây là khó khăn, áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới”, ông Sinh nêu.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp. Ngoài ra, một số quy định như quy định "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" mới được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm một số tổ chức, cá nhân trong thời gian qua liên quan việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư. Ngoài ra, nhiều thông tin xã hội không chính xác về tài chính, tín dụng, trái phiếu đã gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư dẫn đến e ngại, nghe ngóng, tạm dựng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản mà chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Sửa nghị định 65, bố trí 110.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã đưa ra một số giải pháp về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

Về hoàn thiện thể chế: Hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)...

sinh.jpg
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành và trình tự, thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, thuế, chứng khoán...

Về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc. Thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Đồng thời đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về nguồn vốn tín dụng, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường.

“Điều hành hạn mức tín dụng phù hợp; giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng...); đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng”, ông Sinh nêu.

Về nguồn vốn trái phiếu, nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu. Kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.

Bài liên quan
Doanh nghiệp làm gì để đảm bảo an toàn thông tin?
Sự an toàn thông tin ở Việt Nam đang trong tình trạng báo động, mỗi năm cả nước có hơn 10.000 vụ tấn công mạng. Đặc biệt thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ tấn mã độc vào hệ thống mạng của các doanh nghiệp lớn gây thiệt hại lớn về kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
một phút trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Đáo hạn trái phiếu sẽ là áp lực rất lớn cho DN thời gian tới