Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận định các khoản thu nội địa năm 2017 chiếm khoảng 82% tổng thu, song tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại vẫn là nguy cơ lớn.
Nhận định trên được Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 với chủ đề Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam, diễn ra ngày 20.9.
Thứ trưởng Tuấn cho biết tái cơ cấu tài chính công để góp phần tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững là nhiệm vụ then chốt, quan trọng đối với lĩnh vực tài chính.
Sau 3 năm tái cơ cấu tài chính công, đà giảm sút của việc huy động nguồn lực từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước (NSNN) đã được ngăn chặn, phục hồi tỷ lệ động viên vào NSNN, góp phần tạo thuận lợi thương mại, tạo môi trường để huy động vốn đầu tư, chống chuyển giá, chống xói mòn thuế.
Theo đó, mức bội chi từ 5,12% GDP năm 2015 còn 3,6% GDP năm 2016. Nợ công cuối 2017 còn trên 61% GDP. Nợ nước ngoài quốc gia là dưới 50%. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng từ 21- 22% đến nay đạt 26-27%.
Thứ trưởng Tuấn cũng chỉ rõ những thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công đang gặp phải, từ đó đề xuất những giải pháp, hướng đến nền tài chính công phát triển nhanh, toàn diện và bền vững:
Thứ nhất, thách thức lớn nhất là tỷ lệ động viên vào NSNN từ thuế phí mặc dù đã chiếm khoảng 27% GDP nhưng chưa bền vững. Các khoản thu nội địa năm 2017 chiếm khoảng 82% tổng thu, song một bộ phận thu nội địa ở địa phương còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công.
Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn. Năm 2017, cơ quan thuế triển khai Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết cũng như gắn với chương trình hợp tác quốc tế, cơ quan tài chính đã tăng thu thêm 300 triệu USD và giảm lỗ 2,2 tỉ USD từ việc quản lý thuế với các doanh nghiệp trong và ngoài nước
Thứ hai, cơ cấu về ngân sách tuy có chuyển biến nhưng hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công và NSNN vẫn là thách thức lớn. Cụ thể, chi ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn và là các khoản chi khó cắt giảm; trong khi nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội vẫn rất lớn. Tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn tiềm tăng, năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm
Thứ ba, hiệu quả và hiệu lực quản trị và quản lý vốn nhà nước tại khu vực doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả tài sản công quốc gia.
Thứ tư, dù nợ công đã được cải thiện nhưng các khoản nợ dự phòng, những rủi ro về tỷ giá, nợ dự phòng bảo lãnh của Nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp vẫn tiếp tục là thách thức lớn trong thời gian tới.
Thứ năm, cần xây dựng thể chế để giải quyết được thách thức lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là chi phí vốn khu vực doanh nghiệp.
Thứ sáu, cần nâng cao kỷ luật kỷ cương tài chính, công khai, minh bạch về tài chính - ngân sách.
Tuyết Nhung