Ngày 7.8, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM, Sở TT-TT TP.HCM tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời, chủ đề "Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng".
Tại chương trình và thông qua các kênh của HĐND TP.HCM, Trung tâm Báo chí TP.HCM, cử tri đã đặt ra nhiều vấn đề cho các đại biểu, khách mời.
Cử tri Đinh Công Khương, quận 11 cho biết, từ tháng 11.2020 đến nay, gia đình đã 5 lần làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất tại phường Tân Phú, quận 7 nhưng cả 5 lần đều bị từ chối, dù khu đất phù hợp quy hoạch đất ở đô thị.
Trả lời việc này, Phó chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành cho biết, thửa đất của ông Đinh Công Khương rộng hơn 1.700m2, xin chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây hàng năm sang đất ở 100%.
Ông Thành nêu 3 lý do dẫn đến hồ sơ của ông Khương bị tắc gồm: trên đất có công trình xây dựng không phép cần phải tháo dỡ, thời hạn sử dụng đất đã hết cần phải gia hạn, kế hoạch sử dụng đất chưa được thành phố phê duyệt.
Liên quan đến ý kiến của các cử tri, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT thừa nhận, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn có hạn chế, người dân và doanh nghiệp còn chịu nhiều phiền hà. Ông Thắng khẳng định, công khai minh bạch thủ tục hành chính là điều chắc chắn ngành TN-MT phải làm. Hiện nay, đã có phần mềm một cửa điện tử để người dân có thể tra cứu khi giải quyết hồ sơ.
Ông Thắng cho biết, do phần mềm này hiện chưa được Bộ TN-MT chính thức cho phép nên TP đang thí điểm tại quận 1, 3 và TP.Thủ Đức. “TP đã báo cáo Bộ TN-MT cho phép TP đi trước để giải quyết công khai minh bạch hồ sơ thủ tục hành chính cho dân”, ông Thắng nói.
Giám đốc Sở TN-MT cũng cho biết, hiện nay ngành TN-MT có ba dự án đầu tư máy móc thiết bị chuyển đổi số với tổng kinh phí lên đến hơn 1.400 tỉ đồng. Do khó khăn về ngân sách, sở này đề xuất TP trước mắt sẽ thuê các đơn vị làm dịch vụ thay vì phải mua máy móc, trang thiết bị.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM thông tin, tháng 10.2022, TP.HCM sẽ đưa vào sử dụng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất. Từ hệ thống này, người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức sẽ có thông tin đầy đủ, thống nhất khi thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính. Trên hệ thống này, người dân có thể đánh giá mức độ hài lòng, nêu phản ánh kiến nghị. Đồng thời, TP.HCM cũng đã lên kế hoạch số hóa toàn bộ hồ sơ trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, địa chính để tạo lập dữ liệu dùng chung nhằm liên thông và chia sẻ dữ liệu.
Đề cập đến vai trò, trách nhiệm khi thực thi công vụ, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, thời gian qua, sở tiến hành kiểm tra về công tác cải cách hành chính và nhận thấy các địa phương, đơn vị đã làm tốt việc rút ngắn thời gian, có những thủ tục rút ngắn được hơn 50% so với quy định. Nhưng bên cạnh đó, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn 0,15%, là con số lớn với TP.HCM, nơi mỗi năm tiếp nhận hơn 20 triệu hồ sơ hành chính.
Tháng 10.2022, TP.HCM đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công của TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM mong muốn cử tri, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tích cực giám sát, phản ánh để TP.HCM nâng cao chất lượng phục vụ.
Về lĩnh vực cấp phép xây dựng, ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, ngành xây dựng cũng đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Ngoài ra, Sở Xây dựng còn xây dựng app SXD247 trên điện thoại thông minh. Người dân có thể theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ cũng như phản ánh các vấn đề liên quan đến trật tự xây dựng thông qua app này.
Hiện, sở này đang phối hợp với Sở TN-MT thống nhất một bản vẽ để sử dụng cho hai mục đích là cấp phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận để giảm bớt thủ tục cho người dân.
Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM cho biết qua khảo sát hồ sơ nhà đất chậm giải quyết, đơn vị nhận thấy có một số nguyên nhân chính như: nguồn gốc pháp lý, quy định pháp luật chưa cụ thể, thiếu sự trao đổi thống nhất, hồ sơ có tranh chấp khiếu nại, diện tích phát sinh nhiều hơn thực tế, chuyển nhượng đất bằng giấy tay trước thời điểm 2018, kê khai giá giao dịch chưa sát thị trường…
Ông Đức đề nghị các sở ngành sớm có giải pháp khắc phục hạn chế để các hồ sơ hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng được giải quyết nhanh hơn.
Theo báo cáo của Sở TN-MT, 6 tháng đầu năm, có 97% số hồ sơ trong lĩnh vực đất đai được giải quyết đúng hạn. Một số địa phương như quận 10 đã giải quyết trực tuyến hơn 70% số hồ sơ. Tuy nhiên, tỷ lệ 3% hồ sơ trễ hạn tương đương với 13.000 hồ sơ, là con số không nhỏ. Ngoài ra, máy móc, trang thiết bị, hạ tầng mạng ở một số quận huyện ngoại thành đã lạc hậu, khó đảm bảo công tác liên thông điện tử.