Sáng 16.4, phát biểu tại hội nghị toàn quốc về logistics, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc băn khoăn, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp?

Thủ tướng: Chi phí logistics lớn, liệu có nhấn chìm con tàu kinh doanh?

Trí Lâm | 16/04/2018, 12:46

Sáng 16.4, phát biểu tại hội nghị toàn quốc về logistics, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc băn khoăn, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp?

Theo đánh giá của Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế Giới (WB)tại Việt Nam, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Chi phí logistics của Việt Nam tương đương với khoảng 20,9% GDP (trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%), gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển (Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, trong tổng chi phí logistics hiện nay, liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 59-60%, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường biển chỉ chiếm 17,14% và 5,22%; cá biệt vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,42%, đường hàng không chỉ chiếm 0,02 %.

Về thành phần cấu thành chi phí vận tải, theo số liệu từ doanh nghiệp vận tải thì trong chi phí vận tải đường bộ, xăng dầu chiếm khoảng 30 - 35%, phí cầu đường (BOT) bình quân chiếm khoảng 10-15%. Tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, chi phí vận tải luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics. Cụ thể tỷ lệ này tại các nước như sau: Việt Nam khoảng 59%, Mỹ khoảng 63,6%, Thái Lan khoảng 53,5%.

Hiện nay, đối với từng mặt hàng khác nhau chi phí vận tải chiếm tỷ lệ khác nhau. Ví dụ, mặt hàng thủy sản xuất khẩu, chi phí vận tải chiếm 51%, lưu kho chiếm 20%, xếp dỡ 23%, đóng gói 5% và cảng phí 1%. Hàng may mặc xuất khẩu chi phí vận tải là 61%, lưu kho 9%, xếp dỡ 19%, đóng gói 9% và cảng phí 2%.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP.HCM (không tính chi phí xếp dỡ 2 đầu) vào khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và cao hơn 2,5 lần so với đường sắt.

Theo báo cáo tại hội nghị, nước ta hiện có trên 17.000 km đường nhựa, hơn 3.200 km đường sắt, 42.000 km đường thủy, 266 cảng biển và 20 sân bay. Tuy nhiên, chất lượng của mạng lưới giao thông không đồng bộ, nhiều nơi tiêu chuẩn kỹ thuật chưa đảm bảo an toàn trong giao thông. Tuy có 266 cảng biển, nhưng chỉ có 20 cảng biển có thể tham gia vào việc xuất nhập hàng hóa quốc tế. Đa số các cảng này chưa thể tiếp nhận các tàu container thông thương vì chưa đủ thiết bị cũng như kinh nghiệm bốc dỡ container...

Ngoài ra, sự kết hợp các phương thức vận tài khác nhau (vận tải đa phương thức) để kết hợp các ưu điểm của từng phương thức vận tải cũng chưa phổ biến ở Việt Nam. Vì những lý do đó, tổng phí logistics (phần lớn là chi phí vận tải) rất cao.

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khái niệm logistics không phải mới nhưng ít người hiểu một cách đầy đủ, đó là chỉ tổ chức vận tải giao thông đơn tuyến, đơn lẻ và chủ yếu đường bộ. Có tình trạng, theo Thủ tướng, “xe của anh vận tải hàng hóa thì có đến 40 -50% xe quay về mà không chở hàng, làm sao chi phí lại không cao được”.

Dẫn câu nói của ông Benjamin Franklin - một trong những người thành lập nước Mỹ là: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp? Vì vậy, phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. “Bàn tay Nhà nước cần xắn vào đây. Cho nên, tôi và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng, các cơ quan của Đảng, Quốc hội có mặt ở đây hôm nay để thảo luận, làm thông suốt vấn đề này hơn trong cấp ủy, chính quyền các cấp”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính Phủ yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính; thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%.

Bên cạnh đó, Việt Nam cầnđầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng. Xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc.

Đặc biệt, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bốc xếp và hệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng biển theo hướng tập trung phát triển lợi thế kinh tế vùng. Nâng cao chất lượng dịch vụ của đội tàu Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng phải bỏ ít nhất ½ điều kiện kinh doanh, bởi vì nó đang cản trở doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ GTVT cần cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, để khắc phục việc tăng chi phí cần rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Việc này phải gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm của quan chức trong việc thực thi công vụ.

Vì thế để giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, hạ được giá thành sản phẩm, cần thiết phải giảm chi phí logistics. Chi phí logistics nước ta năm 2011, ước tính hơn 25 tỉ USD. Như vậy, nếu chỉ giảm được 1% chi phí đó sẽ làm lợi cho doanh nghiệp, cho đất nước một số tiền không nhỏ.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Chi phí logistics lớn, liệu có nhấn chìm con tàu kinh doanh?