Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong mỏi TP.HCM phải có ước mơ xa hơn, cao hơn, quyết tâm chính trị rõ hơn thì bước đi, sự tiến công vào các lĩnh vực mới mạnh mẽ, toàn diện, “TP. HCM phải là hòn ngọc chiếu sáng Biển Đông”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng đồng ý với những kiến nghị, đề xuất của TP. HCM

Thảo Hương | 28/06/2016, 06:15

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong mỏi TP.HCM phải có ước mơ xa hơn, cao hơn, quyết tâm chính trị rõ hơn thì bước đi, sự tiến công vào các lĩnh vực mới mạnh mẽ, toàn diện, “TP. HCM phải là hòn ngọc chiếu sáng Biển Đông”, Thủ tướng khẳng định.

Chiều 27.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2016.

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề xuất với Chính phủ một loạt cơ chế đặc thù dành riêng cho TP để tạo sức bật trong phát triển. Sau đó, Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng cũng cho rằng, giải quyết cho Thành phố là giải quyết cho cả nước. Ông so sánh“Đầu tàu cần nguồn năng lượng mới, không thể chạy bằng than đá, hơi nước được, thậm chí phải chạy bằng năng lượng nguyên tử thì mới nhanh được”.

Lắng nghe ý kiến của lãnh đạo TP.HCM, các bộ trưởng và các Phó thủ tướng có mặt trong hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, TP.HCM là đầu tàu kinh tế không chỉ của phía Nammà là của cả nước. Ông nhấn mạnh: “TP. HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, 6,6% dân số, nhưng lại chiếm tới 22% GDP, 30% ngân sách. Đặc biệt, sau 40 năm giải phóng, TP.HCM luôn đi đầu, đổi mới”.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ cho rằng TP.HCM vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềmnăng và dẫn ra một số ví dụ về các thành phố khác trong khu vực để so sánh. “TP. HCM có diện tích lớn hơn Bangkok 30%, dân số tương đương nhưng tổng GDP tạo ra chỉ bằng 1/3 Bangkok. Lượng khách quốc tế đến Bangkok bằng 3,6 lần lượng khách quốc tế đến TP. HCM”, Thủ tướng nhận định.

Ngoài năng suất lao động thấp, Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt chưa được của TP.HCM như chuyện triều cường, ô nhiễm môi trường, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông còn cao… Tình trạng cướp giật tài sản, băng nhóm xã hội đen còn gây lo lắng cho người dân, du khách.

Ông Phúc bày tỏ mong mỏi TP.HCM phải có ước mơ xa hơn, cao hơn, quyết tâm chính trị rõ hơn thì bước đi, sự tiến công vào các lĩnh vực mới mạnh mẽ, toàn diện, “TP.HCM là hòn ngọc chiếu sáng Biển Đông, chứ không phải là hòn ngọc Viễn đông theo cách gọi thông thường”, Thủ tướng khẳng định.

Để cụ thể hóa, Thủ tướng đưa ra 4 mục tiêu cho TP.HCM. Thứ nhất là xây dựng thành phố thông minh, năng động, hiện đại với khả năng kết nối sâu sắc vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế, phải cạnh tranh được với các thành phố lớn của châu Á. Thứ hai, phát huy cho được vai trò của trung tâm nguồn lực chất lượng cao. Thứ ba, phải là điểm nhấn thu hút đầu tư và khởi nghiệp. Thứ tư, hướng tới nền kinh tế thị trường hài hòa, bền vững.

Thủ tướng đặc biệt coi trọng việc quy hoạch của TP.HCM. Ông cho biết: “Quy hoạch cho một thành phố mà đặc biệt như TP. HCM không phải bản vẽ kỹ thuật mà tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, văn hóa, để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Thành phố phải đi đầu đổi mới cách làm quy hoạch với sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và các ngành liên quan”.

Đồng thời người đứng đầu chính phủ cho rằng: “Nếu quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch không có tầm nhìn xa, không lấy ý kiến rộng rãi, không mang hơi thở thị trường và bản sắc văn hóa đặc biệt của Thành phố thì sẽ là quy hoạch treo, gây tác hại lâu dài”.

Điều nổi bật trong phần kết luận của Thủ tướng là đồng ý với những kiến nghị, đề xuất của TP. HCM mà thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng với tinh thần mạnh dạn đổi mới. Trên cơ sở đó, chính phủ tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho TP trong một số lĩnh vực như quản lý tài chính công, ngân sách, quyết định một số khoản thu, quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, tổ chức nhân sự, thẩm quyền xử phạt hành chính... Thủ tướng cũng nhất trí về việc Trưởng Ban phát triển kinh tế vùng của TP. HCM phải là một Phó Thủ tướng.

Thảo Hương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng đồng ý với những kiến nghị, đề xuất của TP. HCM