Ngay cả dự án sản xuất bình thường như Nhà máy giấy Hậu Giang, cơ quan chức năng cũng giấu thông tin!
Sáng 27.6, một số PV đã chất vấn lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Hậu Giang về loại hóa chất, số lượng… mà Nhà máy giấy Hậu Giang sẽ sử dụng khi hoạt động. Tuy nhiên, ông Hoàng Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Hậu Giang cho rằng: Vụ việc này do Bộ TNMT có chỉ đạo thanh tra, nên không thể trả lời ngay được. “Sau khi có kết quả thanh, kiểm tra, chúng tôixin ý kiến rồi trả lời báo chí sau”, ông Cường nói.
Rõ ràng, chính sở này đã tham gia đánh giá báocáo tác động môi trường và tư vấn trong việc cấp phép cho dự án, nên nắm rõ những thông tin này. Đây cũng không phải là thông tin mật của nhà sản xuất như công thức, quy trình… mà chỉ là thông tin về “nguyên liệu”, nên càng không đáng bưng bít. Nhất là chuyện này ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của hàng triệu người sống 2 bên con sông Hậu.
Thông tin xử lý nước được giới thiệu sơ sài
Trước đó, ngày 23.6, khi Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam (chủ đầu tư Nhà máy giấy Hậu Giang) tổ chức họp báo, được hỏi cùng vấn đề này- tức loại và số lượng hóa chất, lãnh đạo nhà máy cũng khất lần. Còn đại diện Sở TNMT tỉnh Hậu Giang thì… “bỏ trốn”.
Năm 2008, khi lập đánh giá tác động môi trường, theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, việc tham vấn cộng đồng cũng thực quá mức sơ sài. Họ chỉ gửi văn bản cho… UBND xã và Ủy ban MTTQ xã Phú Hữu A (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - nơi xây nhà máy), sau đó thu lại ý kiến bằng văn bản. “Liệu 2 cơ quan cấp xã đó có đủ năng lực để hiểu về những tác động môi trường để phản hồi có ý nghĩa hay không? Chắc chắn là không!”, ông Thiện nói.
Ngoài ra, phần tham vấn cộng đồng dân cư do Trung tâm Công nghệ Môi trường tỉnh Hậu Giang tiến hành khảo sát... 20 người dân địa phương về tác động đối với đất, nhà và hoa màu. Khảo sát này không hề cho người dân biết về nguy cơ tác động đối với nguồn nước, thủy sản. Do đó, người dân chỉ kiến nghị giải tỏa đền bù phải thỏa đáng. Nếu biết rõ, dân sẽ chọn con cá, con tôm chứ không chọn nhà máy giấy?
Rõ ràng, chính quyền và nhà đầu tư đã “cấu kết” để cùng lập lờ về dự án có nguy cơ ô nhiễm sông Hậu rất cao này! Trong khi cán bộ chính quyền,về danh nghĩa là “đầy tớ” của dân, thế mà dự án 1,2 tỷ USD có nguy cơ ảnh hưởng đến hàng triệu người chủ của họ ở miền Tây, thì các “đầy tớ” lại che giấu? Đây là loại “đầy tớ” gì?
Công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm còn hơn cả công nghiệp khai khoáng, bởi vì phải khai thác các nguồn selulo tự nhiên (rừng), sử dụng nhiều chất tẩy (độc hại) trong quá trình sản xuất, và đặc biệt việc tái chế giấy như nhà máy ở Hậu Giang càng thải ra nhiều chất độc hại và nguy hiểm… Vì thế nên các “đầy tớ” sợ “ông chủ” biết nên ngăn cản, Hậu Giang sẽ mất 1,2 tỉ USD thu hút đầu tư để làm đẹp báo cáo thành tích?
Nhà máy còn hơn 1 tháng nữa vận hành, nhưng máy tính để Sở TNMT giám sát... chưa mua
Nếu nhà máy này đi vào hoạt động, theo dự kiến, sẽ có trên dưới 1.000 lao động có việc làm và Hậu Giang sẽ thu ngân sách trong 14 năm đầu được 12 triệu USD/năm- chưa tới 300 tỷ đồng. Nhưng nếu nhà máy này hủy diệt sông Hậu, mất nguồn nước, thiệt hại cả vùng ĐBSCL sẽ rất lớn. Mới khoảng 2 tháng hạn mặn, cạn kiệt nguồn nước vừa qua, miền Tây đã mất hàng ngàn tỷ đồng.
Nhưng nước thiếu do hạn, xâm ngập mặnthì không lâu những cơn mưa, nước thượng nguồnsẽ bù vào. Còn ô nhiễm, môi trường bị tàn phá, đất thoái hóavì hóa chất, thậm chí hàng trăm năm sau còn chưa khôi phục lại được sinh thái. Thế các anh “đầy tớ” đang bưng bít mọi thứ để làm gì? Người dân cần các ông trả lời kìa! Nhà máy giấy nên đặt ở nơi thích hợp với nó, đừng đặt ở vùng trũng nhưng rất trù phú miền Tây, vùng mà hàng triệu người dân sống nhờ sông nước!
Sau thảm họa cá chết ở miền Trung, và sau khi oằn mình chống chọi hạn mặn, khan hiếm nước, giờ người dân miền Tây quý nguồn nước lắm. Hứa xử lý, hứa giám sát, giờ hỏi còn không nói thì khi nhà máy hoạt động, ai tin các anh? Chỉ cần nhà máy giấy tiết kiệm chi phí, quên xử lý mà lén xả hóa chất thẳng ra sông, chờ các anh… xin ý kiến thì cá tôm chết hết!
Sáng 27.6, Sở TNMT tỉnh Hậu Giang cho biết sẽ giám sát, quan trắc nước thải của dự án nhà máy giấy 24/24 giờ từ trụ sở thông qua hệ thống máy tính. Theo đó, thiết bị quan trắc nước thải tự động sẽ do phía công ty lắp đặt, đấu nối còn Sở TNMT chỉ nhận kết quả từ máy tính. Tuy nhiên, khoảng tháng 8 tới là dự án sẽ đi vào vận hành thử nghiệm, nhưng Sở TNMT, UBND đang trong quá trình… chuẩn bị đầu tư máy tính, còn bên công ty sẽ chuyển giao công nghệ, hướng dẫn.
Nguyễn Hồ