Chúng ta không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách vì thể chế pháp luật đều do cán bộ, công chức làm ra, do sự hạn chế về tư duy, tầm nhìn, do cách chúng ta thực hiện và quản lý”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng: Đừng đổ lỗi cho cơ chế vì cơ chế cũng do cán bộ làm ra

28/12/2018, 13:49

Chúng ta không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách vì thể chế pháp luật đều do cán bộ, công chức làm ra, do sự hạn chế về tư duy, tầm nhìn, do cách chúng ta thực hiện và quản lý”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương - Ảnh: VGP

Chuyển dịch mô hình tăng trưởng

Phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 28.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Có những hoàn cảnh và thời điểm, chúng ta đã thực sự đứng trước những khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua một hành trình gian truân nhưng vô cùng có ý nghĩa”.

Nếu năm 2016, Việt Nam trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ thì hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp nước ta đã xuất khẩu hơn 40 tỉ USD.

Kể từ năm 2008 đến nay, lần đầu tiên trong 10 năm, nền kinh tế đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI 14%.

Trong khi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta cũng có sự cải thiện rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với 17-18% của các năm trước, công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%.

“Rõ ràng chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng cho rằng điều rất đáng mừng là Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang thực sự đi vào cuộc sống. Chưa có thời điểm nào trước đây chúng ta được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua.

Thủ tướng đề nghị tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Khắc phục nhanh những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ những rào cản làm kinh tế tư nhân không bứt phá được, đặc biệt là kinh tế hộ khó chuyển đổi thành doanh nghiệp, những nút thắt của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đầu tư vào nông nghiệp; tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai những dự án đầu tư công; đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên số…

Bên cạnh đó ông yêu cầu đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí đi liền với hoàn thiện thể chế pháp luật, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phát hiện và sửa ngay những quy định, sơ hở, mâu thuẫn dễ tiêu cực, quan liêu, xa dân.

12 chữ “vàng” cho năm 2019

Thủ tướng đề nghị Hội nghị thảo luận để đi đến thống nhất đề ra triển khai 1 chương trình toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả 2, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc “3 trong 1” hay nói cách khác, 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong khi tiếp tục phát huy tốt nhất những động lực tăng trưởng đã có, chúng ta phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, ví dụ động lực tăng trưởng đến từ tiến trình đô thị hóa, từ ứng dụng công nghệ mới và từ các loại hình du lịch đa dạng, như du lịch biển và các vùng di sản, du lịch miền núi, du lịch sông nước ĐBSCL.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ dựa nhiều hơn vào năng suất lao động và thúc đẩy một nền kinh tế số.

“Chúng ta không chỉ cải thiện các hạ tầng cứng mà sẽ đồng thời phát huy các yếu tố hạ tầng của thế kỷ 21, gắn với mô hình phát triển dựa trên dữ liệu và sức mạnh sáng tạo. Chúng ta thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 vì dư địa tăng năng suất lao động ở đây là rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong năm 2019, Thủ tướng cho biết ông sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại một số vấn đề. Đó là các tư duy và hình thành chính sách phát triển do Chính phủ đề xuất. Những yếu kém cố hữu của nền kinh tế khó sửa, cách thức khắc phục những dự án thua lỗ kéo dài, trong đó, phải chỉ ra cho được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn một cách nghiêm túc.

Cùng với đó là những khía cạnh quản trị của Chính phủ, những mục tiêu như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính… khó đi vào thực tiễn nếu không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.

Thủ tướng cũng sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển.

“Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo”, Thủ tướng nói.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Đừng đổ lỗi cho cơ chế vì cơ chế cũng do cán bộ làm ra