“Nếu không xử lý nghiêm minh, sẽ tiếp tục dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có thể dẫn đến hậu quả khó lường”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Hà Nam, Đà Nẵng, Yên Bái xử lý người để dịch lây lan

Lam Thanh | 02/05/2021, 14:10

“Nếu không xử lý nghiêm minh, sẽ tiếp tục dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có thể dẫn đến hậu quả khó lường”, Thủ tướng nói.

Ngày 2.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn về phòng chống COVID-19 khi xuất hiện tình huống mới, phức tạp hơn.

thu-tuong-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu - Ảnh: VGP

Xem xét trách nhiệm cơ quan lơ là, chủ quan

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cuộc họp hôm nay nhằm tiếp tục đánh giá lại tình hình tổ chức thực hiện việc phòng chống dịch thời gian qua, trong đó nêu rõ nguyên nhân chủ quan và xem xét trách nhiệm cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân đã lơ là, chủ quan, làm chưa nghiêm các quy định về phòng chống dịch.

“Nếu không xử lý nghiêm minh, sẽ tiếp tục dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có thể dẫn đến hậu quả khó lường”, Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thần tốc truy vết để phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã lập tức vào cuộc, phối hợp điều tra, tổ chức truy vết tại tất cả các địa phương liên quan.

Về xét nghiệm liên quan đến chùm ca bệnh, đã lấy 2.452 mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc và người liên quan. Hiện 1.569 mẫu đã âm tính, 16 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 (là các bệnh nhân đã công bố), 867 mẫu đang chờ kết quả xét nghiệm.

Bộ Y tế cho biết nguồn lây của chùm ca bệnh tại tỉnh Hà Nam, Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên được xác định rõ là từ bệnh nhân BN2899.

Về nguồn lây cho bệnh nhân BN2899, việc xác định rõ nguồn lây cho người này cần tiếp tục được điều tra, xác minh và phân tích dịch tễ sâu hơn để đưa ra nhận định chính xác. Bước đầu phân tích cho thấy có những khả năng sau: Thời gian ủ bệnh của chủng coronavirus dài hơn 14 ngày (đang giải trình tự gen đế xác định chủng vi rút gây bệnh), có khả năng tiếp xúc với người dương tính với SARS-CoV-2 trong suốt quá trình di chuyển từ Đà Nẵng về Hà Nam mà chưa biết rõ…

Theo Bộ Y tế, chính quyền địa phương phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về tất cả khâu trong quá trình thực hiện việc cách ly, bàn giao, theo dõi người hết cách ly tập trung về địa bàn cư trú. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Ban quản lý khu cách ly phải có camera giám sát 24/24, bố trí đủ lực lượng và thành phần đế giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn. Áp dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý liên thông người nhập cảnh từ khi nhập cảnh cho đến hết 14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú tiếp theo.

Nhắc nhở, chấn chỉnh một loạt địa phương

Thủ tướng nhấn mạnh, vừa qua chúng ta đã chỉ đạo quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh, cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, có tình huống xấu đi hơn, khó dự báo, chưa lường hết được.

“Chúng ta không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không bi quan, hoảng hốt, phải bình tĩnh, tỉnh táo, sắc sảo trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải tốt hơn, phù hợp với tình hình. Chúng ta phải nghiêm túc quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chủ tịch nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia trong việc phòng chống dịch", Thủ tướng nêu rõ.

Theo Thủ tướng, phải rà soát các quy định đã có, bám sát tình hình thực tiễn đang diễn ra ở các địa phương, các khu vực trên thế giới, đúc rút kinh nghiệm từ những lần trước để bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về phòng chống dịch và xử lý hậu quả cũng như bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm ý kiến của Chủ tịch nước ngày 30.4, trong đó nhấn mạnh việc tất cả các tỉnh, thành phố phải kích hoạt mọi phương án phòng chống dịch, để sẵn sàng phát hiện nhanh, thần tốc khoanh vùng và bao vây dập dịch; thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, không tập trung đông người, không nhập cảnh trái phép và không che giấu người nhập cảnh trái phép và triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhanh hơn nữa.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp triệt để cho các cấp, các ngành chủ động, sáng tạo, phát huy hết năng lực, sở trường cũng như điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phòng chống dịch và khắc phục hậu quả một cách hiệu quả nhất.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường phân cấp, giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng.

Trước diễn biến mới của tình hình, Thủ tướng nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt cần biểu dương, khen thưởng kịp thời, nhưng “ở đâu, khâu nào, cá nhân nào chưa làm đúng thì cần xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Thủ tướng yêu cầu TP Đà Nẵng, các tỉnh Hà Nam, Yên Bái căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Ban Chỉ đạo, của Bộ Y tế để rà soát lại và căn cứ vào hậu quả xảy ra để tập trung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kể cả áp dụng biện pháp xử lý hình sự.

“Có bệnh thì được chăm lo, điều trị kịp thời, cứu người là chính, bảo đảm nhân văn nhưng cũng cần xem xét, xử lý nghiêm minh trách nhiệm theo quy định”, Thủ tướng nhắc đến trường hợp không tuân thủ nghiêm quy định về cách ly, để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồn.

Nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm

Thủ tướng nêu rõ, mấy ngày qua, qua theo dõi phản ánh của người dân, báo chí, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Khánh Hòa, TP.Đà Nẵng chưa thực hiện nghiêm các quy định về 5K, nhất là đeo khẩu trang và giãn cách xã hội; yêu cầu các tỉnh, thành phố này phải chấn chỉnh ngay.

“Từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc, chỗ nào chưa vào cuộc, chưa làm thì phải xử lý trách nhiệm. Tinh thần là phải rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm cá nhân”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường năng lực xét nghiệm bằng mọi biện pháp, khả năng và huy động, ưu tiên vấn đề này, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thủ tướng nhắc nhở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang vì chậm trễ trong triển khai các cơ sở xét nghiệm theo yêu cầu của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong xã hội. Tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan trong công tác phòng chống dịch; luôn tỉnh táo, bám sát thực tễ, tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý tình huống.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Hà Nam, Đà Nẵng, Yên Bái xử lý người để dịch lây lan