Thủ tướng nhấn mạnh: "Không hình sự hóa các quan hệ dân sự nhưng không thể dung túng những hành vi lừa đảo ảnh hưởng đến niềm tin, tài sản của nhân dân và uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính".
Tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022, được tổ chức hôm nay 12.10 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng thời gian tới tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, lạm phát tăng cao ở nhiều nước; thị trường quốc tế thu hẹp.
“Trong nước, chúng ta có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đặc biệt do tác động của tình hình địa chính trị, khó khăn của kinh tế toàn cầu. Đồng thời, việc xử lý những bất cập, tồn tại của thị trường tài chính, nhất là trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, nhà đầu tư”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cho biết Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa.
Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối điều hành; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích phát triển và đổi mới sáng tạo; ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời, Chính phủ cũng điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp, bảo đảm đảm tăng tín dụng hợp lý và hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân trong quá trình kinh doanh.
“Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển; tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hình thức hợp tác công - tư”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cũng cho biết sẽ phát triển, lành mạnh hóa, củng cố niềm tin của nhà đầu tư với các thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, bất động sản.
“Thông điệp rất rõ của Đảng và Nhà nước là không hình sự hóa các quan hệ dân sự, bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính, nhưng không thể dung túng những hành vi sai trái, lừa đảo để ảnh hưởng niềm tin, tài sản của nhân dân và văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân chân chính”, Thủ tướng khẳng định.
Ngoài ra, Chính phủ cũng khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước…
Theo Thủ tướng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với mục tiêu phát triển nền kinh tế tri thức, vì vậy chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức kinh doanh; hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật; tận dụng sự phục hội mạnh mẽ thị trường trong nước, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường quốc tế; không ngừng đổi mới, sáng tạo; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội…
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức" tôi tin rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam với truyền thống tâm - tài - trí - tín vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển đóng góp tích cực, hiệu quả vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.