Ngày 7.10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh qua loạt bài "Bán điện thoại "cùi bắp" là trái phép".

Thủ tướng lần thứ 2 yêu cầu làm rõ nghi vấn tiêu cực trong vụ ‘điện thoại cùi bắp’

Trí Lâm | 08/10/2016, 05:57

Ngày 7.10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh qua loạt bài "Bán điện thoại "cùi bắp" là trái phép".

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 6662/VPCP-TTĐTngày 11.8.2016 của Văn phòng Chính phủ; chỉ đạo Công an thành phố khẩn trương xác minh, làm rõ nội dung phản ánh cán bộ điều tra có hành vi tiêu cực trong quá trình điều tra, thụ lý vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 11.2016.

Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBNDTP.HCM khẩn trương kiểm tra, làm rõ sự việc trên. Trước đó, Thủ tướng yêu cầu báo cáo trước ngày 30.8.2016.

Trao đổi với báo điện tửMột Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ (Văn phòng luật Lê Nguyễn) cho biếtanh Tiến chỉ sửa chữa, buôn bán điện thoại cũ mang tính chất “buôn bán vặt”. Dù hoạt động kinh doanh của anh Tiến thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh nhưng chưa đăng ký kinh doanh thì cũng không đến nỗi phải khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại điều 159 Bộ luật Hình sự (BLHS) về tội kinh doanh trái phép thì hành vi được coi là có dấu hiệu của tội này nếu đã từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này hoặc “hàng phạm pháp” có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Theo báo chí phản ánh, không có thông tin cho thấy anh Tiến đã từng bị xử lý vi phạm hành chính; còn việc định giá “tang vật” để xác định anh Tiến có vi phạm với mức từ 100 triệu đồng trở lên hay không vẫn còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, cần phải xác định việc định giá là có chính xác hay không.

Luật sư Kiều Anh Vũ (Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn)

Hơn nữa, luật sư Vũ cho biết, theo khoản 4 điều 8 BLHS, “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác” và theo tinh thần của BLHSmới thì tội kinh doanh trái phép đã bị bãi bỏ.

“Do đó, theo tôi, hành vi của anh Tiến chưa đến mức phải coi là tội phạm để khởi tố. Như anh Tiến cũng đã có ý kiến, trong trường hợp này, cơ quan chức năng, công an nên có hướng dẫn để anh Tiến thực hiện việc kinh doanh đúng pháp luật và nếu có sai phạm thì cần có hình thức xử lý phù hợp, chẳng hạn như xử phạt vi phạm hành chính chứ không phải kiểu xử lý như báo chí phản ánh” – ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, liên quan đến vụ việc này, đối với hành vi của điều tra viên cũng cần phải xem xét, làm rõ có hay không việc “mặc cả” với anh Tiến để cho anh Tiến chọn xử lý hành chính hay hình sự. Đồng thời cần phải làm rõ có hay không có việc đã có quyết định khởi tố bị can và quyết định này xuất phát từ đâu? Tôi không nghĩ tự nhiên anh Tiến có bản chụp của quyết định này.

“Nếu Công an quận 10 xác định không có việc ban hành quyết định khởi tố bị can đó (“không có, không đúng”) thì quyết định này từ đâu ra, phải chăng đã có hành vi ngụy tạo quyết định khởi tố bị can, làm sai lệch hồ sơ vụ án? Như vậy, cần phải tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi này và xử lý theo đúng quy định của pháp luật” – ông Vũ nói.

Khẳng định lại điều này, luật sư Vũ cho rằngviệc khởi tố bị can, truy cứu trách nhiệm hình sự một cá nhân là một hành vi hệ trọng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, cuộc đời của một con người và cuộc sống của người thân của họ.

“Pháp luật phải được thực thi một cách nghiêm minh, không phải là công cụ để “mặc cả”, hù dọa người dân. Và nếu có những hành vi lộng quyền, dùng pháp luật để uy hiếp người dân thì cần phải bị xử lý thích đáng” – ông Vũ cho hay.

Trước đó, báo chí đưa tin rằng anh Dương Trọng Tiến trú tại quận 10, TP.HCMtrong khi mua bán, sửa chữa những dòng điện thoại cũ, đã sản xuất hơn 10 năm trước thì đột nhiên bị công an bắt quả tang, khám xét khẩn cấp vì kinh doanh trái phép. Khám xong, Công an Q.10 tạm giữ 40 chiếc điện thoại di động (trong đó có 8 máy khách gửi sửa), 38 sạc điện thoại và sổ sách, biên nhận sửa chữa cho khách.

Tuy nhiên, khi Công an Q.10 mời lên làm việc, điều tra viên Võ Quốc Khánh lại hỏi muốn phạt hành chính hay phạt hình sự.Sau đó, ông Khánh đưa Tiến ký vào biên bản ghi giá 40 chiếc điện thoại Nokia đang tạm giữ là 120 triệu đồng.

Ngày 30.6, Tiến trở lại Công an Q.10 và được ông Khánh đưa cho xem quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên, phần tội danh bị khởi tố lại ghi “có hành vi mua bán ngoại tệ không có giấy phép kinh doanh”. Khi anh Tiến ra về vẫn không được trao quyết định khởi tố khiến anh hết sức lo lắng.

Khi trả lời báo chí, trung tá Phạm Công Hầu - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về quản lý trât tự kinh tế và chức vụ, Công an Q.10 - cho biết "quyết định khởi tố bị can đó là không có, không đúng", mặc dù anh Tiến đã chụp lại được bảnquyết định.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
2 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng lần thứ 2 yêu cầu làm rõ nghi vấn tiêu cực trong vụ ‘điện thoại cùi bắp’