Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tăng trưởng GDP đặt ra khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1%...
Thị trường và chính sách

Thủ tướng: Phấn đấu năm 2025 tăng trưởng GDP 7% - 7,5%

Lam Thanh 12:39 21/10/2024

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tăng trưởng GDP đặt ra khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1%...

Trình bày báo cáo tại Quốc hội ngày 21.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đáng chú ý đây là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Quan điểm chỉ đạo, điều hành là quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”.

Ngoài ra, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025, từ đó có các giải pháp đột phá trên tinh thần "chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đạt rồi, thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả", phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá; bám sát thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh trên tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"…

Các chỉ tiêu chủ yếu đặt ra là tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1%...

tt-1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại kỳ họp

Để hoàn thành mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao (như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật…).

Tiếp theo, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao chất lượng tín dụng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%; tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.

Ngoài ra, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; quản lý chặt chẽ, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu thu NSNN năm 2025 cao hơn ít nhất khoảng 5% so với năm 2024; kiểm soát bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý, tận dụng dư địa để huy động thêm nguồn lực cho phát triển.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới", nhất là đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy nhanh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã...

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, triển khai hiệu quả Đề án 06; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm; đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo...

Theo đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu. Phấn đấu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc và phấn đấu khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tích cực hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong năm 2025; thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện 8; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển điện lực và năng lượng tái tạo, hydrogen.

ttt-1.jpg
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15

Thủ tướng cũng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị; triển khai hiệu quả Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; phấn đấu năm 2025 đạt 20 triệu lượt khách quốc tế.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu năm 2025 thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát và hoàn thành trên 100 nghìn căn nhà ở xã hội.

Song song với đó, tiếp tục nâng cao năng lực khám, chữa bệnh; kiểm soát tốt các dịch bệnh; tăng cường phòng, chống tệ nạn xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; phát triển bền vững kinh tế biển và không gian biển quốc gia; hoàn thiện, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các thành phố lớn. Xây dựng chương trình phòng chống sụt lún, sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh 6 vùng KTXH; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ; chú trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Cục diện thế giới dự báo sẽ có những diễn biến, chuyển động, thay đổi khó lường hơn. Ở trong nước, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ.

Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá.

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả…

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Phấn đấu năm 2025 tăng trưởng GDP 7% - 7,5%