Tại diễn đàn VBF 2023, Thủ tướng nhấn mạng: “Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này. Phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải bảo đảm sức khỏe cho người dân; tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau".
Thực hiện 3 đột phá chiến lược
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.
Về thể chế, Việt Nam tập trung rà soát các vướng mắc pháp lý, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.
Về kết cấu hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chuẩn bị phát triển đường sắt tốc độ cao, xây dựng các sân bay, cảng biển, đường thủy nội địa; hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu... Từ đó góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp, hàng hóa.
Về nguồn nhân lực, Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp; chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao…
Thủ tướng cho rằng đây là những các giải pháp căn cơ, lâu dài để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, theo quy luật, các hoạt động kinh doanh có lúc thuận lợi nhưng cũng có lúc khó khăn, thua lỗ, điều quan trọng nhất là về tổng thể, lâu dài, nhà đầu tư bảo toàn được vốn, mở rộng được sản xuất, kinh doanh, đạt được lợi nhuận.
Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"
Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030.
“Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP và EVFTA. Trong quá trình này, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, nhưng cũng phải làm như một nước phát triển”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó, phải kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả.
"Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải bảo đảm sức khỏe cho người dân", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.
Quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp
Thủ tướng cho rằng thời gian tới, phản ứng chính sách của các nước, thị trường bị thu hẹp, các diễn biến địa chính trị, xung đột ở một số nơi, các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, già hóa dân số… sẽ tiếp tục tác động tới Việt Nam, mang tới không ít khó khăn, thách thức.
Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới, trong khi nội tại vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, "khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải pháp trước mắt". Đồng thời, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, cộng đồng chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam ngang tầm với kinh tế và chính trị.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (về vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phát triển nhân lực…).
Thủ tướng cũng cho biết sẽ nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước (đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý; bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền tác giả; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…). Tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tận tụy, thân thiện, giải quyết dứt điểm các công việc, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Chia sẻ thêm về những quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thủ tướng cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn và cần phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực này. Vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp.
Do đó, các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân.
Mặt khác, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý với các khoản vay kéo dài hơn và lãi suất giảm đi.