Các chuyên gia nhận định Nghị định 08 sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng để khơi thông thị trường này thì cần thêm nhiều giải pháp.

Nỗi lo nợ xấu: Kỳ 3 - Nghị định 08 có đủ sức 'hóa giải' mối lo nợ xấu từ trái phiếu doanh nghiệp?

Lam Thanh | 19/03/2023, 13:00

Các chuyên gia nhận định Nghị định 08 sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng để khơi thông thị trường này thì cần thêm nhiều giải pháp.

Giảm áp lực cho thị trường trái phiếu

Đến ngày 5.3.2023, có 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc và danh sách này đang một dày lên. Trong bối cảnh đó, Nghị định 08/2023 sửa đổi bổ sung Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ được ra đời, kỳ vọng giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp.

Nghị định 08 có nhiều điểm mới thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thanh toán cho các nhà đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành đã công bố. Tuy nhiên, trong trường hợp trái chủ không chấp nhận thì doanh nghiệp vẫn phải thanh toán đủ gốc và lãi.

Không những thế, doanh nghiệp còn có thể mở rộng phương thức thanh toán trái phiếu so với trước đây. Nếu không thể thanh toán trái phiếu bằng đồng Việt Nam, doanh nghiệp có thể thanh toán bằng tài sản khác như căn hộ, nhà phố, biệt thự, đất, giấy tờ có giá trị… với điều kiện phải được người sở hữu trái phiếu chấp nhận.

Ngoài ra, doanh nghiệp có trách nhiệm công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của trái chủ nhằm hạn chế phát sinh khiếu kiện, tranh chấp sau này.

tp.jpeg
Nghị định 08 có nhiều điểm mới thuận lợi cho doanh nghiệp

Một điểm mới của Nghị định 08 có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đó là ngưng thi hành nội dung về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân với giá trị danh mục nắm giữ tối thiểu 2 tỉ đồng trong vòng 180 ngày; thời gian phân phối trái phiếu (áp dụng thời gian phân phối 90 ngày đến hết ngày 31.12.2023, từ ngày 1.1.2024 là 30 ngày); xếp hạng tín nhiệm.

Các chuyên gia nhận định Nghị định 08 sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó có việc đàm phán với trái chủ mà trước đó một số tổ chức phát hành đã tự thảo thuận với trái chủ nhưng chưa tỷ lệ thành công thấp. Đồng thời, nghị định này cũng kỳ vọng giảm bớt khó khăn về dòng tiền cho các doanh nghiệp và giảm áp lực nợ xấu liên quan đến trái phiếu.

Thực tế, theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, sau Nghị định 08 đã có hơn 7.000 tỉ đồng trái phiếu đổ về nhóm bất động sản, xây dựng. Trong khi đó, trong tháng đầu tiên của năm 2023 không diễn ra đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào.

Tạo hành lang pháp lý, bảo vệ nhà đầu tư

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ở góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc Vũ Cương Quyết cũng nhìn nhận Nghị định 08 là thông tin rất tốt cho các doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản, bởi vì đây là nhóm doanh nghiệp huy động vốn khá nhiều nhiều từ trái phiếu. Thời gian qua, khi thị trường trái phiếu bị đóng băng, doanh nghiệp gặp áp lực lớn về đáo hạn trái phiếu dẫn đến mất cân đối dòng tiền, dẫn đến khó khăn trong trả nợ và hoạt động.

Theo ông Quyết, các giải pháp được nêu trong nghị định như hoán đổi tài sản, giãn nợ… là những biện pháp rất tốt để trái chủ và doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để đàm phán với nhau.

mr-vu-cuong-quyet-dat-xanh-mien-bac-1-1654146915823520383154.jpg
Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc Vũ Cương Quyết cho rằng Nghị định 08 là biện pháp rất tốt cho doanh nghiệp

Bàn về tác động của Nghị định 08, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía nam cho rằng việc kéo giãn kỳ hạn trái phiếu 2 năm mang tới kỳ vọng sẽ kéo dài thời gian và điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản có thể tháo gỡ các dự án đang vướng pháp lý, chuyển nhượng dự án (M&A) hay tích lũy dòng tiền từ các đợt bán hàng để thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn.

“Khi niềm tin các nhà đầu tư quay lại cùng với các dự án được tháo gỡ pháp lý thì việc phát hành huy động mới, phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại giúp cho việc thanh toán/thanh khoản dễ dàng hơn”, ông Tuấn nói.

Ông Đinh Minh Tuấn bổ sung: “Nghị định 08 không chỉ giúp giảm tải áp lực cho doanh nghiệp mà còn có thể bảo vệ nhà đầu tư. Đối với các trái chủ không muốn gia hạn 2 năm, nghị định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của họ vì vẫn cho họ quyền chọn lựa chứ doanh nghiệp không được tự ý gia hạn.

“Với những nhà đầu tư chưa có nhu cầu ngay, doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, không bán rẻ tài sản, từ đó bảo toàn giá trị tài sản trong thời gian ngắn hạn để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Ngoài ra nhà đầu tư với số tiền chứng khoán ít hơn 2 tỉ đồng nhưng có các khoản tiết kiệm nhàn rỗi ở ngân hàng có thể xem xét tham gia, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Khi thanh khoản tăng lên cũng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc phát hành mới, cũng như phân loại các doanh nghiệp”, ông Tuấn nhận định.

Chỉ là giải pháp tình thế

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw cho rằng sự ra đời của Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã làm giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn với điểm rơi vào năm 2023 - 2024; đồng thời việc này giúp các tổ chức phát hành có thêm thời gian cơ cấu tài chính, điều chỉnh kế hoạch và chính sách bán hàng để có sớm nguồn trả nợ.

“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, do đó, cần các quy định phải thay đổi tận gốc để giúp thị trường phát triển bền vững hơn”, ông Hà nói.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên NHQuang và cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tin rằng các vấn đề mà thị trường đang vấp phải và đối mặt có tính bản chất và sâu sắc hơn nhiều nhưng gì được nhìn thấy ở bề mặt. Do đó, phải đi tìm các nguyên nhân sâu xa thì mới có thể khắc phục nó và câu chuyện này sẽ phức tạp bởi nó được gọi là “vấn đề thể chế”, có tính bao trùm hơn là khoanh vào các sai phạm của một số hay thậm chí nhiều doanh nghiệp.

"Do đó, để giải quyết vấn đề một cách triệt để và hiệu quả, tôi không nghĩ chỉ bằng một vài biện pháp hành chính có tính ứng phó nhất thời hay thậm chí sửa đổi, ban hành mới một số văn bản ở cấp nghị định như đã và đang làm", ông Lập nói.

ha.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw lại cho rằng Nghị định 08 chỉ là giải pháp tình thế

Chứng khoán VNDIRECT nhận định, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể phục hồi sẽ cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác như cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ doanh nghiệp để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

“Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường; đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền”, VNDIRECT nêu.

VNDIRECT cũng cho rằng cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án BĐS và việc hỗ trợ các DN tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng, để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng.

Ở góc độ quản lý, Bộ Tài chính khuyến cáo doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu; chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính; công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc/lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố…

Về phía nhà đầu tư, cần hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu; đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành; phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng; đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo nợ xấu: Kỳ 3 - Nghị định 08 có đủ sức 'hóa giải' mối lo nợ xấu từ trái phiếu doanh nghiệp?