“Tình hình thế giới hiện nay, cùng với đòi hỏi, mong mỏi của nhân dân, yêu cầu của phát triển thì nhiệm vụ tăng trưởng GDP 8% năm 2025 "khó mấy cũng phải làm, không làm không được"”, Thủ tướng nêu.
Khó mấy cũng phải làm, không làm không được
Thảo luận tại tổ ở Quốc hội ngày 14.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường với căng thẳng thương mại và nguy cơ chiến tranh thương mại, nối tiếp sau những khó khăn như dịch bệnh COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, cơn bão số 3 (Yagi)... mà ông "chưa thấy lúc nào bình yên".
Ngoài ra, quy mô, độ mở, sự chuyển đổi của nền kinh tế cũng là một thách thức cho những mục tiêu trăm năm mà Đại hội 13 đã đề ra. Đặc biệt, theo Thủ tướng, việc thay đổi lãnh đạo ở địa phương, Trung ương trong nhiệm kỳ này cũng có tác động.
Thủ tướng thông tin, sáng nay Bộ Chính trị họp để tổng kết việc cải cách bộ máy theo Nghị quyết 18 năm 2027 của Trung ương và nhận định rằng: Việc cải cách bộ máy hiện nay được nhân dân đồng tình, ủng hộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc nên thực hiện rất nhanh. Trung ương nêu gương và địa phương làm theo. Phương châm hành động là làm từ trên xuống, từ dưới lên, đi từ đơn giản đến phức tạp.
“Tình hình thế giới hiện nay, cùng với đòi hỏi, mong mỏi của nhân dân, yêu cầu của phát triển nhằm đạt các mục tiêu trăm năm thì nhiệm vụ tăng trưởng GDP 8% năm 2025 "khó mấy cũng phải làm, không làm không được"”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng kể lại, hồi xảy ra bão Yagi, nhiều người khuyên ông giảm mục tiêu tăng trưởng để dễ phấn đấu.
"Tôi trả lời rằng phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, vì cuộc sống ấm no của nhân dân, chứ không phải đặt ra mục tiêu để dễ dàng phấn đấu đạt được. Truyền thống, văn hóa của dân tộc chúng ta từ xưa đến nay là càng áp lực càng nỗ lực, càng khó khăn càng đoàn kết. Chúng ta đã vượt qua những khó khăn", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP 8% sẽ kéo theo tăng trưởng của nhiều chỉ số, từ quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người đến năng suất lao động.
"Đây là một thách thức rất lớn. Nhưng nếu không đặt mục tiêu như thế thì khó hoàn thành mục tiêu trăm năm. Cả nước phải tăng trưởng, các địa phương phải tăng trưởng, các ngành phải tăng trưởng, các lĩnh vực phải tăng trưởng. Tất cả đều phải hành động, phải thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung cho mục tiêu tăng trưởng", Thủ tướng nói.
Tăng cường cơ sở để lo cho dân
Thủ tướng nói cần phải tạo không gian sáng tạo để các bộ ngành, doanh nghiệp, người dân và mọi chủ thể liên quan thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Cùng với đó là có thể phải nới rộng tăng trưởng tín dụng, kết hợp với chính sách tài khóa, tăng thu giảm chi, nới rộng tỉ lệ bội chi trong bối cảnh nợ công, nợ chính phủ đang được kiểm soát tốt.
Ngoài ra, phải tăng chỉ số ICOR (hiệu quả đầu tư) như các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thực hiện. Điều quan trọng là vay phải trả được và đầu tư cho trúng, đúng; các chủ thể có liên quan cùng tính toán với các cơ quan, Chính phủ về vấn đề này.
Thủ tướng đề cập đến giải pháp thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực theo tinh thần "vướng mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng mắc lúc nào gỡ lúc đó"; tinh thần là phải có cơ chế đặc thù để triển khai nhanh các dự án nhưng giảm chi phí, không đội vốn, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, không để tham nhũng, tiêu cực.
Về nhân lực, Thủ tướng cho rằng phải đột phá để đào tạo nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng trích nhận định từ Đại hội 13 cho rằng "tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu", theo đó yêu cầu phải có phương châm thực hiện và kinh nghiệm thực tiễn từ triển khai đường dây 500kV mạch 3, sân bay Long Thành, lo cân đối năng lượng (điện) năm 2024 để tổ chức thực hiện những công việc cấp bách.
"Phải đoàn kết nhất trí, chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã quyết tâm thì phải làm. Mong các đại biểu quốc hội ủng hộ cho. Tất cả vì sự phát triển, tương lai của đất nước. Đất nước muốn tăng trưởng được 2 con số, thực hiện được mục tiêu trăm năm thì phải nỗ lực", Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng, hành động quyết liệt nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư tập trung, không dàn trải. "Tại sao vừa qua vốn liếng không nhiều lắm nhưng ta làm được một số việc lớn? Vì ta cắt bớt một số việc nhỏ lặt vặt để tập trung việc lớn", Thủ tướng chia sẻ.
Cùng với việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) thì phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tích cực khai thác các không gian phát triển mới như không gian vũ trụ, không gian ngầm, không gian biển.
"Như đồng bào dân tộc thiểu số trên đỉnh núi cheo leo thì sao phủ sóng bằng cáp được? Nói không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, nhưng không có sóng, không có điện làm sao chuyển đổi số, làm sao phát triển được. Thế thì phải khai thác không gian vũ trụ, phủ sóng internet vệ tinh", Thủ tướng lấy ví dụ.
Một trong những giải pháp Thủ tướng đề cập là phải cải cách bộ máy, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin cho. Thủ tướng nói chỉ cần bỏ một cấp đi là giảm được thủ tục hành chính, áp dụng số hóa thì đơn giản hóa được các thủ tục còn lại.
Lấy ví dụ về bỏ công an cấp huyện, Thủ tướng cho biết khi bỏ công an cấp huyện thì một số sẽ được điều lên tỉnh, đa số còn lại thì xuống cơ sở.
"Nói vì dân, vì hạnh phúc của nhân dân thì dân ở đâu? Dân ở cơ sở, xã, phường, phải tăng cường cơ sở để lo cho dân. Việc cải cách bộ máy lần này, kể cả bộ máy Đảng là để phục vụ cho phát triển. Dân phải hạnh phúc, ấm no, đất nước phải hùng cường, giàu mạnh. Làm gì thì làm phải nhắm tới mục tiêu đó. Từ giờ tới cuối năm phải làm rất nhiều việc", Thủ tướng nói.