Thủ tướng cho rằng việc triển khai gói 62.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi COVID-19 còn nhiều bất cập. "Ngân sách đã có, phải tiêu đúng, tiêu trúng, có hiệu quả, tránh tình trạng có tiền mà không giải ngân được".

Thủ tướng: Việc triển khai gói 62.000 tỉ còn nhiều bất cập

Lam Thanh | 19/05/2021, 18:10

Thủ tướng cho rằng việc triển khai gói 62.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi COVID-19 còn nhiều bất cập. "Ngân sách đã có, phải tiêu đúng, tiêu trúng, có hiệu quả, tránh tình trạng có tiền mà không giải ngân được".

21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, cao nhất ASEAN

Ngày 19.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN, nhờ đó đã cơ bản thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

thu-tuong-bo-lao-dong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP

Trong bối cảnh đại dịch, thông qua chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ và chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đã hỗ trợ hơn 14,4 triệu người với tổng kinh phí hơn 33.000 tỉ đồng.

“Giảm nghèo là điểm sáng của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, coi đây là một trong những câu chuyện thành công nhất và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Kết quả tạo việc làm đạt thành công nổi bật, tạo được hàng triệu việc làm mới với mức thu nhập tốt hơn, là một trong 10 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực.

Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, trên 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế.

Bộ cũng kiến nghị nhiều giải pháp mới về giảm nghèo như thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ một số hộ nghèo (người già, neo đơn, không có khả năng lao động), tách các đối tượng này khỏi đối tượng hộ nghèo và cho hưởng chính sách bảo trợ xã hội, bảo đảm mức sống tối thiểu; phân công mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp đỡ ít nhất một huyện nghèo; chỉ đạo xử lý dứt điểm 100% nhà tạm, nhà đơn sơ trên quy mô cả nước trong 5 năm tới…

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ tập trung vào 3 khâu đột phá: Xây dựng lưới an sinh xã hội, quan tâm hơn công tác cai nghiện, xóa nhà dột nát, nhà tạm tại các huyện nghèo; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số.

Phải nhìn thẳng vào sự thật

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong thời gian vừa qua, Bộ và ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực nổi bật. Tuy nhiên, ngành còn những nhóm công việc chưa làm tốt.

Cụ thể là thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, chưa hiện đại, thiếu tổng thể, liên thông; năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn chậm cải thiện, còn khoảng cách lớn với các nước trong khu vực; việc xuất khẩu lao động còn nhiều yếu kém, tiêu cực, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự trở thành công cụ hiệu quả; các quy định về phòng ngừa, xử lý tai nạn lao động còn chưa đầy đủ, nhiều sơ hở; bạo lực giới, bạo lực và xâm hại trẻ em chưa được ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời.

Việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (gói 62.000 tỉ đồng) còn nhiều bất cập. Ngân sách đã có, phải “tiêu đúng, tiêu trúng, có hiệu quả”, tránh tình trạng có tiền mà không giải ngân được.

Cơ chế, chính sách và việc tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ người yếu thế trong xã hội còn bất cập; vai trò của nhà nước trong lĩnh vực này chưa nổi bật, trong khi nhiều cá nhân tự phát thực hiện các công việc này.

“Trước tình hình trên, phải nhìn thẳng vào sự thật, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân và doanh nghiệp thụ hưởng thật thành quả”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng đề nghị Bộ bám sát Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, hành động thiết thực, hiệu quả, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Bên cạnh đó, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội hài hòa, hợp lý; bảo đảm công khai minh bạch, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, kiên quyết xử lý các vi phạm và khen thưởng kịp thời.

Đồng thời, phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì việc chung. Không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, không trông chờ, ỷ lại, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể…

“Suy nghĩ không chín, tư tưởng không thông, quyết tâm không cao thì việc gì cũng khó, nỗ lực không lớn thì không thể vượt qua được những khó khăn trong bối cảnh mới; không hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện không có trọng tâm, trọng điểm thì không ra sản phẩm, không đạt được mục đích trong bối cảnh yêu cầu công việc cao, nhu cầu lớn nhưng nguồn lực, thời gian có hạn”, Thủ tướng phân tích thêm.

Thủ tướng lưu ý, chính sách của ngành liên quan đến mọi người dân, nên mọi chính sách, thông điệp phải giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá.

Thủ tướng ủng hộ quyết tâm của Bộ trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các huyện nghèo trên cả nước, tinh thần là “càng sớm càng tốt” song phải xây dựng đề án với mục tiêu cụ thể, tiêu chuẩn, tiêu chí, cách làm rõ ràng, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả, kiểm tra và giám sát để tránh tiêu cực.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp triển khai tốt công tác hỗ trợ, giải cứu người lao động Việt Nam tại các nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với hoàn cảnh.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Việc triển khai gói 62.000 tỉ còn nhiều bất cập