Theo các nhà khoa học Nga, tình trạng mất cân bằng các nguyên tố vi lượng quan trọng trong cơ thể có thể thúc đẩy quá trình rối loạn tâm thần ở trẻ, khiến phát triển hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Theo TASS, các chuyên gia ở Đại học quốc gia Yaroslavl mang tên P.G.Demidova (Nga) đã làm sáng tỏ sự phát triển của hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ (Attention-deficit hyperactivity disorder - ADHD).
Đây là một trong những rối loạn thường gặp ở trẻ em, đặc điểm chung của ADHD là những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân là do nồng độ thấp của crôm, magiê và kẽm trong máu.
Ngày nay, khoa học đã biết rằng 60-80% các trường hợp mắc hội chứng là do khuynh hướng di truyền. Các nhà khoa học Nga quyết định nghiên cứu hội chứng theo hướng khác. Họ đã phân tích hàm lượng của các nguyên tố khác nhau trong máu và tóc của 100 trẻ mắc hội chứng và 100 trẻ cùng lứa khỏe mạnh.
Hóa ra, ở trẻ mẫu giáo mắc hội chứng này, nồng độ crôm, magiê và kẽm trong huyết thanh thấp hơn nhưng nồng độ đồng lại cao hơn những bạn cùng trang lứa khoẻ mạnh. Có thể, sự mất cân bằng trong tỷ lệ của đồng và kẽm đóng một vai trò quan trọng.
Một phân tích quang phổ đối với tóc cũng được thực hiện, cho thấy sự thay đổi nồng độ của các nguyên tố vi lượng theo thời gian. Phân tích cho thấy nồng độ coban, mangan, kẽm và magiê ở trẻ mắc hội chứng giảm, đặc biệt nồng độ magiê thấp hơn gần 1/3. Tất cả điều này chứng minh rõ ràng tầm quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng của trẻ.
Dữ liệu thu được cho phép các nhà khoa học khẳng định rằng tình trạng mất cân bằng các nguyên tố vi lượng quan trọng trong cơ thể có thể, nếu không là nguyên nhân gây bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý thì ít nhất cũng làm xấu đi quá trình rối loạn tâm thần ở trẻ em.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng thức ăn nhanh, khoai tây chiên, bánh mì trắng, đồ ngọt... là những món ăn nghèo các chất dinh dưỡng quan trọng nhất.
Vũ Trung Hương