Tàu ngầm bị nạn thì không còn là vũ khí tối tân nhất của nhân loại nữa, mà là cái “quan tài thép” kín. 

Thực hư chuyện thoát hiểm tàu ngầm qua… ống phóng lôi

Một Thế Giới | 01/06/2015, 06:41

Tàu ngầm bị nạn thì không còn là vũ khí tối tân nhất của nhân loại nữa, mà là cái “quan tài thép” kín. 

Thoát hiểm tàu ngầm phải được rèn luyện bản lĩnh và học kĩ năng sinh tồn. Thông thường dù là tàu ngầm hạt nhân nguyên tử hay tàu lớp Kilo 636 như của Việt Nam mua từ Nga có 3 đường thoát hiểm: Một là, thoát hiểm qua tháp chỉ huy. Hai là, thoát hiểm từ khoang thoát hiểm. Ba là, thoát hiểm qua ống phóng ngư lôi.

Trang bị cá nhân tối thiểu

Tàu ngầm chủ yếu là... lặn, hoạt động ở môi trường nước biển, dưới mặt nước biển, nên câu chuyện đầu tiên của sinh tồn là... thở trong nước và chung sống “hòa bình” với áp suất nước. Người ta tính ngoài da của con người khoảng 19.000 cm2, (người Việt chắc chỉ 17.000 cm2) ở độ sâu 300m phải chịu mỗi cm2 là 310kg, nhân lên thì mới biết áp lực của nước khủng khiếp như thế nào!
Ví dụ, nếu trục trặc kỹ thuật, thủy thủ phải ra khỏi tàu ngầm ở độ sâu 30m thôi, sẽ có một áp lực tới 45.000 kg đè lên thân thể người đó. Tuy nhiên, cơ thể con người có tới 60% là nước, mặc bộ đồ lặn bảo vệ, cộng với không khí nén mang theo (làm việc ở môi trường cao áp thì buộc phải thở bằng khí nén đặc biệt) để hít thở vào cơ thể, nó có áp suất bằng áp suất nước tác dụng vào người đó, đối trọng lại sức đè của nước. 
Mỗi thủy thủ tàu ngầm đều phải sử dụng thành thạo trang thiết bị cá nhân. Chẳng hạn như thiết bị thở xách tay, túi thở sử dụng ở độ sâu 20m và thiết bị thở cá nhân để khi tàu ngầm chìm ở độ sâu 100m có thể thoát ra ngoài. Các thiết bị này cung cấp oxy cho hệ hô hấp và loại khí độc hại. Ngoài ra, các thủy thủ còn phải sử dụng thành thạo bộ quần áo lặn chất liệu cao su, có mặt nạ, kính quang tốt có khả năng phòng vệ cao. Nguyên việc học, thực hành mặc bộ đồ bảo hộ tính mạng này làm sao cho nhanh chóng, điều khiển van cao áp ở trán cho chính xác hợp lý, rồi tuồn, bò trong ống phóng lôi thoát ra ngoài thế nào là cả một kỳ công.
Thoat hiem tau ngam qua… ong phong loi-hinh-anh-1
 Trang bị của thủy thủ tàu ngầm

Khi nào thì thoát hiểm?

Tàu ngầm ngụp lặn ở biển khơi có muôn vàn lý do để... chìm: Chân vịt không quay, hỏa hoạn, vỡ ống, thủng dò, đâm húc, va quẹt, bị đối phương bắn hạ... Có những nguyên nhân chìm rất “ất ơ”, chẳng hạn như tàu ngầm Priz AS-28 của Nga bị chìm bởí lý do chân vịt quấn vào dây cáp và lưới đánh cá. Hoặc tai nạn rất đáng tiếc như: Tàu ngầm Mỹ uss San Francisco đâm vào một mỏm núi dưới đáy Đại Tây Dương làm 1 thủy thủ chết, 97 người bị thương.
Hoặc tàu ngầm Mỹ khi đang trồi lên mặt nước đâm vào tàu đánh cá Nhật Bản, một tàu khác của Mỹ cũng đâm vào tàu chở hàng Nhật Bản... Tàu ngầm lớp Komsomolets của Liên Xô bị hỏa hoạn rồi chìm ở ngoài khơi Na Uy làm 42 thủy thủ thiệt mạng. Vì thế, thoát hiểm luôn là công việc đặc biệt quan trọng, thử thách bản lĩnh và kĩ năng của thủy thủ.

Nhưng khi nào phải thoát hiểm mà không chờ tàu cứu hộ thì lại phải chờ tiếng nói quyết định, mau lẹ, sáng suốt của thuyền trưởng - người chỉ huy con tàu hàng trăm triệu đô và tính mạng hàng chục đồng đội vô giá. Ấy là khi nồng độ ôxy giảm rất nhanh và nồng độ khí cacbonic tăng nhanh, không quyết định thì lá phổi hết khả năng hô hấp, mũi, họng, lồng ngực nóng ran. Hoặc, khi nước tràn vào khoang tàu quá mạnh, đã đến mức bó tay không xử lý được, mất kiểm soát. Hoặc, áp suất trong khoang tàu tăng nhanh mà không phương tiện bảo hộ cá nhân nào chịu nổi. Hoặc cháy nổ, ngọn lửa đã đốt hết ôxy và đang thải ra nhiều khí độc.

Tuy nhiên, tình huống chưa cần thiết phải thoát hiểm mà đã “bỏ của chạy lấy người” thì chắc chắn ra... toà án binh. Chẳng hạn, áp suất và không khí trong khoang tàu không thay đổi nhiều lắm và lực lượng cứu hộ đang cơ động, chưa triển khai kịp mà đã thoát thì rất nguy hiểm.Đặc biệt, tàu trục trặc ở độ sâu 180m mà vội vàng thoát hiểm thì tính mạng sẽ bị đe dọa.
Người ta tính, thời điểm thoát hiểm rời khỏi tàu tốt nhất là khi tàu cứu hộ đã tiếp cận tàu ngầm bị nạn và các lực lượng cứu hộ đã dàn quân trên mặt nước. Nhưng, nếu thấy nguy hiểm quá, thuyền trưởng hoặc nhóm trưởng ở khoang bị nạn có thể quyết định rời khỏi tàu trước khi lực lượng cứu hộ đến. Tính chính xác kịp thời còn thể hiện ở quyết định thoát hiểm chủ động, chọn thời điểm trước khi đến giới hạn áp suất cao nhất trong khoang, chứ không để “nước đến chân mới chạy”.

Thoat hiem tau ngam qua… ong phong loi-hinh-anh-2

Thoát hiểm tàu ngầm

Đại tá Lữ trưởng Trần Thanh Nghiêm bảo: ‘Tàu ngầm khi đã đóng nắp, lặn xuống biển thì không có khả năng... mở nắp, bởi áp suất nước đè nặng, càng sâu càng đè nặng khủng khiếp. Khi tàu ngầm trục trặc, việc thoát hiểm theo đường tự mở nắp là... bất khả kháng, chỉ thực hiện được khi có sự trợ giúp từ phía bên ngoài.

Hải quân Mỹ đã dùng tàu ngầm giải cứu tiếp cận tàu ngầm bị đắm, kết nối cốp thoát hiểm (còn gọi là tiềm thủy khí) với nắp tàu ngầm, rồi bơm nước ở cốp ra. Sau đó, thực hiện cân bằng áp suất, mở nắp khoang đưa thủy thủ lên cốp rồi đưa cả cốp lẫn người lên mặt nước. Phương pháp này, người ta gọi là... thoát hiểm khô. Đây là phương pháp thoát hiểm lý tưởng, may mắn và hồng phúc cho thủy thủ đoàn nào bị chìm tàu, dù lặn ở độ sâu nhất theo thiết kế của tàu ngầm.
Thoat hiem tau ngam qua… ong phong loi-hinh-anh-3
 Phác họa khoang thoát hiểm tách khỏi tàu ngầm gặp nạn.
Cách đây gần 10 năm, tàu ngầm Kursh của Nga bị nổ ngư lôi trong tàu ở một cuộc tập trận. Nó bị xé rách và chìm ở độ sâu 108m dưới biển Barents. Khi các thợ lặn người Na Uy mở nắp tàu ngầm Kursh thì đã đầy nước và người ta cũng phát hiện ra 23 thủy thủ ở khoang số 9 phía đuôi tàu còn sống sót trong nhiều giờ nữa sau vụ nổ, nhưng cốp thoát hiểm - tiềm thủy khí đã không tới kịp, hoặc có kịp thì cũng không có cách nào cứu được.

Còn một cách thoát hiểm ướt nữa là... thủy thủ tự thoát bằng đường... ống phóng ngư lôi. Đường kính ống phóng lôi thường từ 55-65cm, dài từ 8-11 m. Có loại ống phóng lôi đường kính chỉ 40cm thì thủy thủ bất lực cùng bộ đồ lặn cồng kềnh của mình. Thủy thủ Việt Nam nhỏ con hơn chui ra còn khó, huống hồ là thủy thủ Nga, Mỹ to con kềnh càng hơn chỉ còn trông cậy vào sự may rủi của số phận, sở dĩ thủy thủ tăng cân, béo ú... đều được tế nhị điều lên cơ sở bờ làm việc bởi lý do như vậy.

Không ai muốn chui theo đường ống phóng lôi, vậy mà chính cái nơi đầy vũ khí đi tiêu diệt đối phương lạì là chỗ thoát hiểm lý tưởng nhất. Trước hết các thủy thủ phải dồn đến khoang vũ khí đặt ngư lôi, rồi mặc thiết bị lặn, tất nhiên phải sử dụng thiết bị này thành thạo từ trước. Họ mở van thông khí và đẩy nước ở xi-téc làm đầy 3/4 ống phóng ngư lôi. Mở van cân bằng áp suất ở bên ngoài và bên trong ống phóng ngư lôi. Tiếp theo thủy thủ mở van cân bằng áp suất ở thiết bị lặn. Mở nắp và thủy thủ lần lượt ngoi trong ống phóng ngư lôi ra ngoài, rồi bám vào dây phao tiêu có ghi độ sâu ở các phao, lần mò lên mặt biển...

Cấm lửa tuyệt đối

Nguyên tắc cấm lửa đối với mỗi thủy thủ tàu ngầm là... tuyệt đối. Đã từng có chuyện trong thế giới tàu ngầm thế này: ở một tàu ngầm Nga, đầu bếp làm bánh ga tô sinh nhật cho 1 thủy thủ. Anh ta bất cẩn để mảnh vải lót tay bắc xoong chảo bên cạnh bếp ga đang cháy, rồi lấy rượu cho vào cái bánh ga tô vừa nướng chín lấy hương thơm nồng nàn. Bất chợt lửa bùng lên ở mảnh vải lót tay, anh ta vội vã kéo mảnh vải bắt lửa, nóng quá đánh rơi vào chiếc bánh ga tô. Lửa rừng rực bốc lên bởi nguyên liệu cháy là rượu mạnh. Cả khoang chìm trong khói lửa... Họ phải tự cứu khoang tàu ngầm ấy, cũng là cứu tính mạng mình, cấm lửa, đó cũng là cách đấu tranh bảo vệ tàu.

Tôi gặp bất cứ thủy thủ tàu ngầm nào ở Lữ đoàn 189 cũng... không hút thuốc lá, thuốc lào. Trong túi các anh không bao giờ có diêm, bật lửa. Người thủy thủ phải rèn được, coi đó là thói quen, là tác phong quân sự. Bởi trong tàu ngầm mà hỏa hoạn thì không biết hậu quả thê thảm thế nào mà lường. Nhưng, vẫn cứ phải kiểm tra, có nghĩa là trước khi bước qua cầu bắc sang tàu ngầm thì chàng thủy thủ nọ phải nắm túi chàng thủy thủ kia. Tất nhiên, diêm, bật lửa không có chỉ thấy chùm chìa khóa, khăn tay mùi xoa người yêu tặng ở túi quần thôi, nhưng các anh vẫn phải khám cho nhau.

Theo Sương Nguyệt Minh (Tuổi Trẻ & Đời Sống)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hạn hán khô khát khốc liệt ở miền Tây Nam Bộ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Kênh rạch khô nứt nẻ; đường sá sạt lở sụt lún khiến giao thông ách tắc; hàng vạn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt… là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hư chuyện thoát hiểm tàu ngầm qua… ống phóng lôi