Viễn cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên gặp thượng đỉnh tháng 5 tới làm nhen nhóm hy vọng tái lập chương trình tìm kiếm lính Mỹ chết trận ở Chiến tranh Triều Tiên. Người Mỹ chỉ trích chương trình này, gọi đó là chương trình “đổi tiền lấy xương”, để Bình Nhưỡng vòi tiền Mỹ.
Theo hãng tin AP ngày 5.4 (giờ Mỹ), sau Chiến tranh Triều Tiên hồi hơn 60 năm trước, gần 7.800 lính Mỹ chưa được tìm thấy, và khoảng 5.300 trường hợp lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) ở Triều Tiên.
Theo Cơ quan giám sát vấn đề tù binh (POW) và MIA, đa phần lính Mỹ mất tích đều đã tử trận ở các trận đánh lớn hoặc là tù binh. Số khác chết khi bị giải đến nơi giam giữ ở các làng mạc. Nhiều trường hợp tử vong từ máy bay rơi cũng xảy ra gần vùng chiến sự.
Trông đợi cử chỉ thiện chí của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều làm dấy lên hy vọng tái lập chương trình quy tập hàng ngàn trường hợp MIA được cho là đã chết về Mỹ.
Có những dấu hiệu ông Trump sẽ nêu vấn đề này khi gặp ông Kim Jong-un. Cũng có khả năng ông Kim Jong-un trao trả một số hài cốt ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh vốn chưa xác định được thời gian và địa điểm diễn ra cuộc mặt đối mặt này.
Cựu đại sứ Mỹ tại LHQ Bill Richardson từng góp công đem về 6 bộ hài cốt lính Mỹ năm 2007, nói: “Hy vọng Triều Tiên sẽ trao trả vài bộ hài cốt, như một cử chỉ thiện chí trước cuộc gặp thượng đỉnh. Điều này sẽ góp phần lớn hạ nhiệt căng thẳng”.
Ông Richard Downes, Chủ tịch Liên minh các gia đình POW/MIA Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Triều Tiên, nói năm 2016, Triều Tiên đã ngỏ ý sẵn sàng tái lập chương trình tìm kiếm POW/MIA, khi ông với tư cách cá nhân thăm Triều Tiên trong một đoàn phi chính phủ do ông Richardson dẫn đầu.
Ông Frank Metersky, cựu binh Mỹ tham gia Chiến tranh Triều Tiên, cũng là người cổ động nỗ lực tìm được hài cốt lính Mỹ của tổ chức Gia đình quân nhân mất tích thời Chiến tranh Lạnh Triều Tiên (một trong 3 nhóm ủng hộ gia đình các binh sĩ MIA) cho biết các quan chức Mỹ xử lý vấn đề này nói chủ đề quy tập hài cốt lính Mỹ có trong chương trình gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Theo AP, việc ông Trump quyết định gặp ông Kim Jong-un đã bị chỉ trích và nghi ngờ liệu ông sẽ có thể đạt một thỏa thuận hạt nhân với Bình Nhưỡng hay không. Việc ông Kim Jong-un trao trả hài cốt, hoặc cho phép tiếp tục công tác tìm kiếm MIA sẽ giúp ông Trump tuyên bố đạt được một thành quả cụ thể.
Cũng có nhiều hy vọng ông Kim Jong-un sẽ trả tự do cho 3 người Mỹ gốc Triều Tiên đang bị tù vì tội “chống phá nhà nước”.
Chương trình tìm kiếm hài cốt lính Mỹ bị chỉ trích là “đổi tiền lấy xương”
Triều Tiên và Mỹ vẫn trong tình trạng chiến tranh về kỹ thuật, vì Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tạm ngưng bằng một hiệp định ngưng bắn, không phải một thỏa thuận hòa bình.
Nhưng từ năm 1996 đến 2005, nhóm tìm kiếm quân sự Mỹ-Triều đã cùng thực hiện 33 lần tìm kiếm, tìm ra được 299 bộ hài cốt lính Mỹ.
Nhưng nỗ lực tìm thấy và quy tập hài cốt lính Mỹ bị kéo dài hơn 10 năm vì Bình Nhưỡng phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, và Mỹ tuyên bố Triều Tiên không bảo đảm an ninh cho nhóm tìm kiếm mà chính quyền Tổng thống Mỹ George W.Bush từng cử đi.
Năm 2006, Mỹ chính thức ngưng hoạt động này, với lý do lớn là Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên, khiến nhóm tìm kiếm Mỹ không được bảo đảm an toàn. Người chỉ trích chương trình này cũng nói Triều Tiên lợi dụng chương trình để vòi tiền Mỹ. Họ gọi đó là chương trình “đổi tiền lấy xương” của Bình Nhưỡng. Mỹ đã chi tổng cộng 19,5 triệu USD cho chương trình.
Các cuộc đàm phán để phục hồi chương trình được tổ chức năm 2011, thời Tổng thống Barack Obama. Nhưng nỗ lực này thất bại sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa bị Mỹ lên án là vi phạm lệnh cấm thử công nghệ tên lửa đạn đạo. Từ đó không có thêm sự tiến bộ nào.
Vấn đề là dòng thời gian trôi qua khiến nỗ lực tìm kiếm càng thêm khó khăn. Năm 2016, phóng viên AP từng đến một địa điểm cách Bình Nhưỡng 160 km về phía bắc. Ở đó, dân làng đã chôn hàng chục bộ hài cốt được tìm thấy khi họ tham gia xây Nhà máy thủy điện số 10 trên sông Chongchon.
Dân làng đã tập hợp số hài cốt được tìm thấy, đặt trong nhiều túi lớn rồi chôn ở 3 chỗ khác nhau trên ngọn đồi lân cận nhìn xuống một thung lũng đã cho ngập nước để thực hiện dự án thủy điện.
Nếu tìm lại được còn phải tách nhỏ những gì trong các túi, dĩ nhiên phải xác minh số hài cốt này có phải của lính Mỹ, bằng cách kiểm tra DNA hay không.
Nhưng chính quyền Mỹ ước tính có 270 bộ hài cốt lính Mỹ có thể tìm được ở khu vực này, nay gọi là Huyện Kujang. Việc tìm kiếm sẽ là một trọng tâm khi đoàn Mỹ còn có thể đến Triều Tiên. Từ năm 1998 đến năm 2.000 đã có gần chục cuộc tìm kiếm chung của hai đoàn Mỹ-Triều.
Hài cốt lính Trung Quốc được Hàn Quốc trả về cố quốc - Ảnh: Getty Images
Hàn Quốc tạo điều kiện hài cốt liệt sĩ Trung Quốc được hồi cố quốc
Trong khi đó hôm 28.3, Hàn Quốc đã trao trả hài cốt của 20 Chí nguyện quân Trung Quốc tham gia Chiến Tranh Triều để yểm hộ quân Triều Tiên. Một máy bay của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc chở 20 quan tài đều phủ cờ đã cất cánh từ sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) và hạ cánh ở sân bay quốc tế Đào Tiên (ở Thẩm Dương, Trung Quốc) vài giờ sau đó.
20 hài cốt Trung Quốc đã được tìm thấy ở nhiều địa điểm thuộc tỉnh Gangwon (đông bắc Hàn Quốc) gồm một số xương và sọ, cùng tư trang cá nhân như các đồng xu. Nghi lễ an táng các liệt sĩ vô danh này được tổ chức ngày 29.3 ở nghĩa trang liệt sĩ có tên nghĩa trang Kháng chiến chống Mỹ giúp Triều Tiên ở Thẩm Dương.
Lễ trao trả hài cốt này lần đầu tiên có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, trong nỗ lực làm hòa với Triều Tiên. Bộ trưởng Song Young-moo nói: “Trong lịch sử, việc hồi cố hương liệt sĩ giữa hai bên tham gia một cuộc chiến là một hành động nhân đạo, đồng thời là thông điệp hòa bình, hàn gắn vết thương quá khứ và tiến tới quan hệ song phương”.
Từ năm 2013, Hàn Quốc đã đồng ý trao trả hài cốt của quân Trung Quốc, thường là vào Tiết Thanh minh, thời điểm dân Trung Quốc đi tảo mộ trong đầu tháng 4 dương lịch.
Theo Newsweek, không thể biết rõ bao nhiêu lính Trung Quốc chết trong Chiến tranh Triều Tiên. Dưới thời Mao Trạch Đông, họ đã tham gia lực lượng Chí nguyện quân, cùng quân đội của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành đánh quân Hàn-Mỹ.
Trung Quốc ước tính số liệt sĩ khoảng 180.000 quân, gồm Mao Ngạn Anh, con trai trưởng của Mao Trạch Đông. Nhưng các nguồn tin khác nói có khoảng 400.000 lính Trung Quốc tử trận.
Theo báo giới Hàn Quốc năm 2013, có khoảng từ 180.000 đến 1 triệu lính Trung Quốc tử trận và từ năm 1981 đến 1989, đã có 403 bộ hài cốt liệt sĩ Trung Quốc được tìm thấy trên đất Hàn Quốc.
Thông tin khác nói có khoảng 33.000 lính Mỹ tử trận, cùng 2,27 triệu người Hàn Quốc -Triều Tiên chết trong Chiến tranh Triều Tiên. Ở cuộc chiến này, khoảng 130.000 lính Hàn Quốc tử trận và trong số đó, hài cốt của khoảng từ 30.000 đến 40.000 lính được cho là đã nằm xuống vĩnh viễn ở khu giới tuyến phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Hàn-Triều.
"Nghĩa trang của phe địch" bên Hàn Quốc chôn lính Trung Quốc hướng về phía bắc
Hồi tháng 6.2013, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là bà Park Geun-hee thăm chính thức Trung Quốc để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bà Park Geun-hee đề nghị chuyển trả số hài cốt lính Trung Quốc. Theo các báo Hàn Quốc, đề nghị của bà Park là tái biểu tượng tình hữu nghị Hàn-Trung.
Lúc đó, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc nói chính phủ vẫn chăm sóc các ngôi mộ tử tế, nhưng người thân của các liệt sĩ Trung Quốc vẫn xót thương mong con cháu trở về, nên “chúng tôi mong muốn được gởi xương cốt của họ về cố quốc”.
Bắc Kinh đã hoan nghênh đề nghị này và cho đến ngày 28.3.2018 đã có 5 lần Hàn Quốc trao trả hài cốt lính Trung Quốc chết trận. Họ được táng ở nghĩa trang Kháng chiến chống Mỹ giúp Triều Tiên ở Thẩm Dương, theo hãng tin Yonhap.
Trung Quốc đón nhận quan tài liệt sĩ Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Nhiều năm qua, khi Hàn Quốc phát hiện xương cốt hàng trăm lính Triều Tiên và Trung Quốc ở các chiến trường xưa, họ thường đem cất tạm trong một nghĩa trang dã chiến (ít ai biết đến), gần đây được gọi là “Nghĩa trang của phe địch”.
Nghĩa trang này không xa khu DMZ, chôn tạm 770 lính Triều Tiên tử trận, sau khi số hài cốt lính Trung Quốc đã được đưa về quê hương.
Không như phong tục chôn cất của Triều Tiên hướng về phía nam, các mộ ở nghĩa trang dành cho kẻ thù này đều xây hướng về phía bắc, biểu tượng cho ý muốn cuối cùng được chôn ở quê hương của các người lính Trung Quốc. Mang tên chính thức là “Nghĩa trang các người lính Bắc Triều và Trung Quốc”, nghĩa trang này được lập tại vùng Paju (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) từ năm 1996, theo tinh thần một hiệp định quốc tế vốn yêu cầu các quốc gia đối xử nhân đạo với các lính tử trận của phe địch.
Nghĩa trang này còn chôn khoảng chục điệp viên Triều Tiên sau cuộc chiến tranh, gồm những lính đặc công bị giết khi tấn công không thành vào Dinh Tổng thống Hàn Quốc ở Seoul hồi năm 1968 nhằm ám sát Tổng thống Park Chung-hee (cha bà Park) cùng một điệp viên Triều Tiên tự sát sau khi cài bom vào một chiếc máy bay để nó nổ trên không phận Myanmar năm 1987, làm 115 người thiệt mạng.
Trung Trực (theo Washington Times, Newsweek)