Những thương hồ trên chợ nổi (khu vực sông Hậu, gần trung tâm TP.Long Xuyên) rất vui mừng khi được chính quyền áp dụng Chỉ thị 15.

Thương hồ chợ nổi An Giang vui mừng khi được chính quyền áp dụng Chỉ thị 15

Tô Văn | 08/09/2021, 11:37

Những thương hồ trên chợ nổi (khu vực sông Hậu, gần trung tâm TP.Long Xuyên) rất vui mừng khi được chính quyền áp dụng Chỉ thị 15.

Cuộc sống của họ gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Một cuộc sống lặng lẽ, khó khăn gắn liền với người dân nơi đây mà ít ai biết.

Khám phá nhịp sống thương hồ trên chợ nổi

Vào lúc 5 giờ sáng 8.9, PV Một Thế Giới có mặt tại bến đò Ô Môi (phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên) để theo một chiếc ghe từ thiện do vợ chồng anh Tám Tro (45 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên) làm chủ.

1-cho-noi-lx.jpg
Chợ nổi Long Xuyên là nơi trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa thực phẩm, ăn uống trên sông - Ảnh: Tô Văn
2-cho-noi-lx.jpg
Những chiếc ghe buôn bán khóm thì treo khóm - Ảnh: Tô Văn

Để chuẩn bị cho chuyến đi khoảng 2km dọc theo bờ sông Hậu đến chợ nổi Long Xuyên (nằm trong địa phận phường Mỹ Phước, TP.Long Xuyên), chúng tôi giúp anh Tám Tro khuân chuyển vài bọc rau củ được người dân gửi tại bến đò để trao tặng từ thiện. Tôi băn khoăn hỏi anh Tám Tro vì sao phải đi sớm như vậy thì anh chỉ cười và bảo “còn nhiều điều thú vị khác để bọn em khám phá lắm, cứ lên thì sẽ biết”.

Đúng 5 giờ 30 phút sáng, ghe Tám Tro nổ máy xuôi theo bờ sông Hậu với bao điều khám phá đang chờ đợi chúng tôi.

4-cho-noi-lx.jpg
Trên chợ nổi những thương hồ cho ghe đậu chằng chịt san sát nhau thành từng cụm để mua bán, trao đổi hàng hóa - Ảnh: Tô Văn

Ghe phăng phăng chạy được khoảng 20 phút thì thấp thoáng xuất hiện những những chiếc ghe, xuồng đang neo đậu chằng chịt, san sát nhau thành từng cụm để mua bán, trao đổi hàng hóa, tiếng cười tiếng nói giòn giã vang khắp mặt sông (Họ vui mừng vì được chính quyền áp dụng việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 để họ buôn bán mưu sinh- PV) .

Còn những người "buôn gánh bán bưng" đang chèo trên các con đò thì vội vã chuẩn bị đồ nghề và thực phẩm để mưu sinh trong một ngày làm việc khắp khu vực này.

3-cho-noi-lx.jpg
Một người dân bán cà phê, bún thịt xào đang chèo ghe - Ảnh: Tô Văn
6-cho-noi-lx.jpg
Một phụ nữ đang bán bún riêu cua cho khách - Ảnh: Tô Văn

Theo anh Tám Tro, chẳng ai nhớ chợ nổi Long Xuyên hình thành từ khi nào, kể cả những người gắn bó gần cả đời với chợ nổi. Khi mà giao thông đường bộ chưa phát triển, người dân còn quen mua bán bằng xuồng ghe trên sông, thì chợ nổi Long Xuyên xuất hiện. Ngày nay, mặc dù giao thông thuận lợi và phát triển, nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và giữ nguyên hình thức sinh hoạt cho đến giờ.

Anh Tám Tro kể: “Lúc trước chưa có dịch bệnh, khi mà du khách đổ xô về tham quan thì có khoảng hơn chục ghe về đây đậu ở bến đón khách, mỗi chuyến đi, bọn anh đều kiếm khoảng 300 ngàn đồng. Có ngày bọn anh thu bạc triệu. Giờ đây, dịch bệnh bùng phát, lượng khách giảm tuyệt đối, dân đưa rước khách bỏ lên bờ đi nơi khác làm ăn, chỉ còn lại khoảng vài ghe sinh sống dọc theo bờ sông Hậu này, họ chủ yếu đưa rước các chủ ghe rau củ lên bờ đi chợ. Đó cũng là khách quen của tụi anh nên mới bám được tới giờ đấy chú à”.

5-cho-noi-lx.jpg
Một cách vận chuyển hàng độc đáo (người bên ghe này thảy hàng qua người bên ghe kia hứng chụp) - Ảnh: Tô Văn
12-cho-noi-lx.jpg
Một phụ nữ thảy khóm qua ghe khác một cách nhanh nhẹn và chính xác - Ảnh: Tô Văn

Thấy chiếc ghe nho nhỏ, anh Tám Tro ra hiệu cho mọi người chuẩn bị tấp vào một tiểu thương chuyên bán khóm (thơm, dứa). Trên chiếc ghe nhỏ chở hàng kiêm luôn nhà ở, tuy họ không phải người địa phương, song những con người trên ghe vẫn chào khách, vui vẻ đón tiếp niềm nở. Khi tôi hỏi tên một người đàn ông mặc áo thun màu xanh, anh rụt rè trả lời: “Quang, quê Vĩnh Thuận, Kiên Giang”.

Thấy tôi có vẻ băn khoăn, anh Tám Tro cười bảo: “Chú đừng hỏi tên người ta làm gì, dân ở đây ngại lên báo lắm, ghe Năm Quang ấy mưu sinh ở chốn này gần chục năm rồi. Coi vậy họ tốt bụng lắm, ghe anh mà tấp vô là được tặng bọc khóm hoặc họ gửi vài bọc cho hội từ thiện của anh Dũng”.

Thì ra ngoài việc đưa rước khách tham quan ở bờ sông Hậu, anh Tám Tro còn là người nhận đồ từ thiện và mua dùm lương thực cho họ. Đây cũng là lý do tại sao hồi nãy anh Tám Tro làm ra vẻ bí mật như vậy.

9-cho-noi-lx.jpg
Một ghe chuyên bán chuối - Ảnh: Tô Văn
15-cho-noi-lx.jpg
Một ghe bán khoai, sắn - Ảnh: Tô Văn

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi dừng chân tại 2 chiếc ghe chuyên bán khoai, sắn (thuộc khu vực Tây sông Hậu, phường Mỹ Phước). Người ra bán là một ông lão chất phác nhưng gương mặt cũng rất cứng cỏi và nghiêm nghị. Tò mò, tôi xin trèo sang hẳn ghe ông lão để tìm hiểu chuyện buôn bán. Thật may cho tôi, ông lão trò chuyện vô cùng cởi mở và thân thiện. Ông là Nguyễn Văn Tuấn (tức Sáu Tuấn) năm nay đã ngoài 65 tuổi, vợ chồng ông quê ở huyện Phú Tân lên khu vực chợ nổi này sinh sống đã được 15 năm.

“Vợ chồng tôi lấy nhau đã mấy chục năm nay mà vẫn chưa có con nên dìu dắt nhau lên đây mưu sinh rồi gắn bó lúc nào không hay anh à. Tuy cuộc sống thiếu thốn đủ đường nhưng gia đình tôi sống rất vui vẻ và hạnh phúc. Vợ chồng tôi giờ đã có hai chiếc ghe, một chiếc dùng để chở khoai sắn, một chiếc dùng làm chỗ ở, còn tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng đều dùng nước sông hết”, ông Sáu Tuấn chia sẻ.

Ông Sáu Tuấn cho biết thêm, thời điểm chưa dịch, mỗi ngày gia đình ông bán khoảng 10 tấn khoai, sắn. Còn lúc dịch bùng phát và chính quyền áp dụng Chỉ thị 16 thì không bán được gì và neo đậu nằm chờ thời. Tuy nhiên, bây giờ được chính quyền cho hạ xuống 15 và cho buôn bán lại nên chỉ bán được phân nửa số khoai, sắn mà thôi.

“Số khoai, sắn này tôi lấy từ thị xã Tân Châu khi về tới đây phải qua nhiều chốt kiểm dịch (test nhanh COVID-19). Mỗi chuyến đi như vậy thì tốn vài trăm ngàn đồng trừ chi phí này nọ, tôi lời chút đỉnh cũng đủ trang trải cuộc sống qua ngày”, ông Sáu Tuấn nói.

8-cho-noi-lx.jpg
Từ nhỏ các em bé phải đi theo cha mẹ buôn bán trên sông - Ảnh: Tô Văn
14-cho-noi-lx.jpg
Nụ cười hồn nhiên của một bé trai sống trên sông nước - Ảnh: Tô Văn

Lấy ghe làm nhà

Chia tay gia đình ông Sáu Tuấn, ghe chúng tôi tiếp tục đến những ngôi nhà nổi vững chãi, áp sát ngay bờ sông Hậu. “Đây là những gia đình có hộ khẩu tại TP.Long Xuyên, họ gửi lại con cái cho ông bà rồi ra đây làm kinh tế, ngoài đánh bắt cá tự nhiên, họ còn đầu tư nuôi cá điêu hồng và chăn nuôi vịt gà nên đời sống đỡ khó khăn hơn đôi chút”, anh Tám Tro chia sẻ.

13-cho-noi-lx.jpg
Một thương hổ lấy ghe làm nhà - Ảnh: Tô Văn

Khi ghe dừng lại trước gia đình chị Bé Năm (46 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa). Chị Năm đón khách và cho biết vợ chồng chị xuống đây đã được 4 năm rồi, chị được 2 cháu, cả nhà chỉ trông vào số tiền làm thuê, làm mướn của vợ chồng chị nên nhà chẳng lúc nào đủ ăn.

“Tình cờ được người quen giới thiệu, anh chị gửi con cho ông bà xuống đây mua ghe, dựng nhà. Vừa đánh bắt, vừa nuôi cá nên cũng có cái ăn cái mặc, nhà chị chủ yếu nuôi cá điêu hồng. Ngoài ra, chị còn đóng chuồng vịt ngay trên sông để nuôi, hiện tại cũng được gần chục con rồi”, chị Năm cho biết.

Ngoài việc nuôi cá, chồng chị Năm còn hành nghề giăng lưới, anh Toàn chồng chị Năm nói: “Tháng bảy âm lịch, dòng sông Hậu đỏ ngầu phù sa. Đây là thời điểm giao giữa 2 con nước, cá to từ thượng nguồn đổ về nên tụi tôi tranh thủ bủa lưới bắt. Thời điểm này, ngày nào tôi cũng giăng lưới dính cá to và ngon như cá mè vinh, cá cóc, cá cầy, cá leo… Đặc biệt, cá mè vinh có con gần 2kg dính thường xuyên. Vì vậy, nhờ kết hợp “đa hệ” nên gia đình không thiếu thốn cho lắm”.

10-cho-noi-lx.jpg
Một thương hồ đóng chuồng nuôi vịt gà để cải thiện cuộc sống - Ảnh: Tô Văn

Kết thúc một chuyến đi đầy thú vị và ý nghĩa mà chúng tôi được trải nghiệm từ con người và cảnh vật trên chợ nổi. Cập bến vào lúc 9 giờ 30 sáng cùng ngày (8.9), trong đầu tôi vẫn vang vang tiếng cười tiếng nói giòn giã của những tiểu thương chuyên dùng ghe mưu sinh. Đây cũng chính là điểm nhấn tạo nên nét riêng của khu vực này.

16-cho-noi-lx.jpg
Một nét đẹp mộc mạc của Chợ nổi Long Xuyên - Ảnh: Tô Văn

Vào ngày 7.9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ký và ban hành công văn về việc cho các phương tiện vận tải thủy, bộ vận chuyển hàng hóa được phép lưu thông trong khung giờ giới nghiêm.

Theo đó, từ ngày 15.7, An Giang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, cho đến 0 giờ ngày 7.9 toàn tỉnh mới áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nhưng vẫn giới nghiêm người dân ra đường từ 18 giờ cho đến 5 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, cho phép các phương tiện vận tải thủy, bộ vận chuyển hàng hóa gồm lúa, gạo, nếp, cá, rau, củ và trái cây được phép lưu thông trong khung giờ từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Người điều khiển phương tiện vận chuyển các loại hàng hóa này phải bảo đảm các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Loạt chính sách có hiệu lực từ tháng 5
Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần; tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương hồ chợ nổi An Giang vui mừng khi được chính quyền áp dụng Chỉ thị 15