Đại dịch COVID-19 là cú hích đáng kể với thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay đã bán, nhiều người chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay đã mua.

Thương mại điện tử, bán hàng qua mạng được cú hích từ dịch COVID-19

26/06/2020, 11:05

Đại dịch COVID-19 là cú hích đáng kể với thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay đã bán, nhiều người chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay đã mua.

Các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn - Ảnh: VECOM

Thông tin này được ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết tại diễn đàn “Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2020” (VOBF) vừa diễn ra tại TP.HCM.

Thương mại điện tử “sống khỏe” giữa đại dịch

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số (thuộc Cục Thương mại điện tử và kinh tế số), đại dịch COVID-19 khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng rất tiêu cực nhưng lại là cú hích đáng kể với thương mại điện tử. Vào giai đoạn đỉnh dịch từ tháng 2 đến tháng 4, các mặt hàng như thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm... có doanh thu trực tuyến rất lớn.

Đại dịch cũng đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đưa họ tiếp cận với phương thức mua hàng trực tuyến. Các doanh nghiệp bán hàng truyền thống bắt đầu nghĩ đến phương thức chuyển dịch dần sang trực tuyến. Thậm chí, doanh nghiệp sản xuất cũng chuyển đổi số để bán hàng trực tuyến.

Đơn cử như chợ đầu mối Bình Điền (H.Bình Chánh, TP.HCM), dù đang vận hành một hệ thống khá cồng kềnh song chợ này vẫn mong muốn chuyển đổi số, trong đó mang một số mặt hàng đặc trưng, có điểm nhấn ở phía nam lên sàn thương mại điện tử hoặc xây dựng kênh bán hàng trực tuyến riêng.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Dzũng, Giám đốc cấp cao Bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam nhận định đại dịch COVID-19 đã thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng. Cụ thể, khảo sát của Nielsen cho thấy có 64% người dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn sau COVID-19; 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn.

Với sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch COVID-19, ông Dzũng cho rằng doanh nghiệp cần thay đổi như mở rộng kênh bán hàng online và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng. Song song đó là chuyển đổi danh mục sản phẩm; tăng cường bán hàng đa kênh và truyền tải thông điệp về sức khỏe và đảm bảo chất lượng.

Quy mô thương mại điện tử VN năm 2020 sẽ vượt 15 tỉ USD

Theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2019 tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nước ta đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 4 năm 2016- 2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỉ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỉ USD.

Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain&Company cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỉ USD và đứng ở vị trí thứ 3 trong khối ASEAN.

Đáng chú ý, những dự báo lạc quan đối với thương mại điện tử nước ta của VECOM cũng như của nhiều tổ chức uy tín khác ngay từ đầu năm 2020 đã chịu một thử thách lớn từ đại dịch COVID-19. Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 4 năm 2020, hầu hết hoạt động kinh tế-xã hội bị ngưng trệ, thương mại nội địa cũng như quốc tế bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thậm chí đóng cửa, giải thể.

Trong bức tranh màu xám đó, lĩnh vực thương mại điện tử chứng kiến 2 tín hiệu tích cực để có thể tiếp tục phát triển hướng tới các dự báo lạc quan của năm 2020 cũng như tới năm 2025. Thứ nhất, COVID-19 dường như là một chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến. Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử hầu như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong 3 tháng cao điểm của dịch và hầu hết sẽ tăng nhân sự trong nửa sau của năm 2020. Các doanh nghiệp này cũng hiểu rõ cơ hội mới bắt nguồn từ cộng đồng mua sắm trực tuyến đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến. Cộng hưởng vào cơ hội mới này là cả hai phía đã tiếp cận sâu hơn tới những công nghệ, giải pháp, nền tảng hậu thuẫn kinh doanh và mua sắm trực tuyến.

VECOM cho rằng mặc dù cơ hội để thương mại điện tử Việt Nam vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững là rõ ràng, nhưng rất nhiều thách thức vẫn ở phía trước. Một trong những thách thức nổi bật là sự phát triển không cân đối giữa thương mại điện tử ở Hà Nội và TP.HCM với các địa phương còn lại.

Do vậy, VECOM đã đề xuất chiến lược lan tỏa nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai mạnh mẽ hơn thương mại điện tử trong khi vẫn duy trì vị trí đầu tàu của hai thành phố trên. Triển khai chiến lược này, vào tháng 6.2020, VECOM đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển thương mại tử với Sở Công Thương TP.HCM và sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với nhiều địa phương khác.

Phan Diệu

Bài liên quan
Quốc hội Mỹ thẩm vấn Amazon về thỏa thuận thương mại điện tử với TikTok
Một số người cho rằng sự hợp tác cho phép người dùng mua hàng hóa trên Amazon thông qua ứng dụng video ngắn đình đám này sở hữu khiến việc cấm TikTok ở Mỹ trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương mại điện tử, bán hàng qua mạng được cú hích từ dịch COVID-19