Thương vụ mua 95% cổ phần AVG của MobiFone đang hội tụ và bộc lộ đầy đủ tất cả những vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nhiều năm qua: hoạt động thiếu minh bạch, hiệu quả không rõ ràng, và nhất là thái độ coi thường pháp luật.

Thương vụ MobiFone – AVG: Khi DNNN ngồi xổm lên pháp luật?

Nhàn Đàm | 05/08/2016, 08:09

Thương vụ mua 95% cổ phần AVG của MobiFone đang hội tụ và bộc lộ đầy đủ tất cả những vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nhiều năm qua: hoạt động thiếu minh bạch, hiệu quả không rõ ràng, và nhất là thái độ coi thường pháp luật.

Nền kinh tế Việt Nam đang bắt đầu giai đoạn 6 tháng cuối năm 2016 theo một cách đầy giông bão, khi mà những vấn đề liên quan đến khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh đang có những diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết, thì lại có thêm những sự cố khác như khoản lỗ hơn 3.000 tỉ đồng của PVC và gần nhất là thương vụ tập đoàn MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG. Xét về ý nghĩa và tác động đối với nền kinh tế. Trong đó, nếu so sánh với sự cố môi trường nghiêm trọng của Formosa hay khoản lỗ trầm trọng hơn 3.000 tỉ đồng của PVC, thì có vẻ như câu chuyện xung quanh thương vụ MobiFone-AVG ít đáng chú ý nhất. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Không có gì khó hiểu khi Thanh tra chính phủ đã chính thức vào cuộc để tranh tra toàn diện về thương vụ này, vì một thực tế là thương vụ mua 95% cổ phần AVG của MobiFone đang hội tụ và bộc lộ đầy đủ tất cả những vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nhiều năm qua: hoạt động thiếu minh bạch, hiệu quả không rõ ràng, và nhất là thái độ coi thường pháp luật.

Quả thực, câu chuyện liên quan đến thương vụ của MobiFone mua lại 95% cổ phần AVG đang hội tụ đầy đủ các vấn đề nhức nhối trong cách thức hoạt động của các DNNN ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Dù thanh tra chính phủ mới chỉ vừa bắt tay vào tiến hành thanh tra toàn diện và vẫn chưa có những kết luận chính thức về việc MobiFone có sai phạm trong thương vụ này hay không, thì chúng ta cũng dễ dàng chỉ ra được các vấn đề cố hữu trong cách thức hoạt động của các DNNN trong sự việc lần này một cách khá tách bạch.

Một trong những vấn đề nổi cộm và đáng chú ý nhất của thương vụ mua 95% cổ phần AVG của MobiFone lần này là sự thiếu minh bạch trong cách thức hoạt động. Sự thiếu minh bạch đó trước hết đến từ việc lãnh đạo của công ty thực hiện thương vụ là MobiFone từ chối cung cấp các thông tin liên quan như vấn đề giá cả cho đến các điều khoản hợp đồng chi tiết, trong khi theo quy định một công ty 100% vốn nhà nước như MobiFone phải công khai thông tin hoặc ít nhất là báo cáo với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Sự thiếu minh bạch và mù mờ còn đến từ quá trình thẩm định giá trị dự án của chính MobiFone. Quá trình thẩm định giá trị AVG của MobiFone trước khi tiến hành mua lại 95% cổ phần của doanh nghiệp này thậm chí có tới 4 mức khác nhau, với một biên độ co giãn rất rộng là trên 16.000 tỉ đồng. Cụ thể, để xây dựng giá mua phù hợp, MobiFone đã tham khảo và căn cứ vào ý kiến của nhà thầu tư vấn Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) để định giá AVG. Trong đó, VCBS đã thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC thực hiện định giá và cho kết quả: 33.299 tỉ đồng (tương đương 1,5 tỉ USD). Trên cơ sở đó, VCBS đã tiến hành định giá thận trọng hơn, giá trị thẩm định AVG giảm xuống còn 24.548 tỉ đồng. Kế đó, VSBC tiếp tục thuê thêm Công ty TNHH định giá Hà Nội-TP.HCM để định giá theo phương pháp tài sản, cho ra kết quả 18.520 tỉ đồng. Cuối cùng là một đơn vị thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép do MobiFone thuê, có giá trị 16.565 tỉ đồng (theo phương pháp tài sản), và 17.184 tỉ đồng (theo phương pháp thu nhập).

Với biên độ dao động và co giãn quá lớn giữa các kết quả thẩm định giá trị AVG lên tới trên 16.000 tỉ đồng (mức cao nhất là 33.299 tỉ đồng, mức thấp nhất là 16.565 tỉ đồng), thì rõ ràng là việc xác định rõ ràng giá trị thực của AVG là quá mù mờ. Trong bối cảnh đó, bất cứ cái giá nào mà MobiFone đưa ra để mua 95% cổ phần của AVG đều xứng đáng bị đặt dấu hỏi về tính minh bạch và hiệu quả thực sự của thương vụ. Vì lẽ ra, khi giá trị thẩm định giữa các phương án định giá chênh lệch nhau quá lớn như vậy, thì việc mà MobiFone cần làm là xem xét lại cách thức tiến hành định giá để có được một kết quả chính xác nhất có thể, thì MobiFone đã vội vã tiến hành thương vụ một cách đáng ngờ. Và nhất là khi lãnh đạo tập đoàn này lại từ chối công khai giá trị thương vụ với những lý do không phù hợp, thì lại càng khiến sự không minh bạch trở nên rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất từ sự kiện liên quan đến thương vụ MobiFone mua lại AVG lần này lại là thái độ coi thường luật pháp một cách ngang nhiên của một DNNN. Dù chưa có kết luận chính thức về việc MobiFone có sai phạm trong thương vụ mua lại AVG hay không, thì một điều chắc chắn là lãnh đạo tập đoàn này đã có những hành vi phạm luật một cách rõ ràng. Cụ thể, khi được hỏi về giá trị thương vụ, người đại diện của MobiFone đã từ chối với lý do hai bên thỏa thuận bảo mật. Thậm chí, trong hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 6.6 vừa qua, thì thương vụ giữa MobiFone và AVG còn được giải thích là “theo cơ chế đặc thù”.

Tuy nhiên, tất cả các thông tin trên đều không chính xác và có nội dung vi phạm luật. Theo thông tin công bố chính thức của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) thì việc MobiFone từ chối công bố thông tin về thương vụ mua lại AVG là phạm luật, do MobiFone là DNNN chứ không phải doanh nghiệp gia đình hay tư nhân, vì thế mọi hoạt động của MobiFone cần phải đảm bảo tính minh bạch, công khai và chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Ngoài ra, AVG là công ty 100% vốn tư nhân, các ngành nghề kinh doanh không ảnh hưởng đến an ninh hay bí mật quốc gia, do đó thương vụ MobiFone mua lại AVG không thuộc diện miễn công bố thông tin. Nói cách khác, nội dung các tuyên bố về việc không công bố giá trị và các thông tin liên quan đến thương vụ mua lại AVG của MobiFone là không chính xác, và trái với các quy định của pháp luật một cách rõ ràng.

Câu chuyện mua lại AVG của MobiFone vì thế không gói gọn trong sự kiện liên quan đến một mình tập đoàn này, mà đang là một vấn đề chung với khu vực DNNN của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, nhất là trong bối cảnh hiệu quả kinh tế của khu vực kinh tế quốc doanh đang giảm đi đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2016, trong khi tỷ lệ thu NSNN từ khu vực DN FDI tăng 12,8% so với cùng kỳ 2015, còn từ khu vực ngoài quốc doanh tăng 22,9% so với cùng kỳ 2015, thì thu NSNN từ khu vực DNNN lại giảm đi, chỉ bằng 94,5% so với cùng kỳ 2015. Thu cổ tức và lợi nhuận còn lại từ các DN có vốn nhà nước cũng giảm đáng kể, chỉ bằng 81,4% so với cùng kỳ 2015 chứ không tăng thêm. Sự trì trệ chung của toàn bộ khu vực DNNN trong 6 tháng đầu năm, đang bắt đầu bộc lộ ra tất cả những vấn đề trầm trọng thông qua câu chuyện thương vụ mua lại AVG của MobiFone. Những nguyên nhân gây ra vấn đề của MobiFone khiến thanh tra chính phủ phải vào cuộc, cũng chính là những nguyên nhân khiến cho khu vực DNNN của Việt Nam đang trở nên trì trệ hơn bao giờ hết. Và nó cần phải điều chỉnh và sửa chữa càng sớm càng tốt, trong cả khu vực DNNN nói chung, chứ không chỉ riêng ở MobiFone.

Nhàn Đàm (theo CafeF, The Saigon Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
6 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương vụ MobiFone – AVG: Khi DNNN ngồi xổm lên pháp luật?