Phần lớn những trường hợp mắc các bệnh sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm khác là do trẻ không được tiêm đúng lịch hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh.

Tiêm vắc-xin cho trẻ: Đừng chậm chân!

06/03/2015, 05:20

Phần lớn những trường hợp mắc các bệnh sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm khác là do trẻ không được tiêm đúng lịch hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh.

Hiện nay, trong khi vắc-xin miễn phí luôn sẵn có với số lượng lớn, bảo đảm các yêu cầu về chất lượng thì vắc-xin dịch vụ luôn trong tình trạng khan hiếm.

Vắc-xin dịch vụ khó đáp ứng kịp

Chị Trần Thu Hương (ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết để cậu con trai 5 tháng tuổi được tiêm mũi vắc-xin “5 trong 1” Pentaxim (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm màng não mủ do Hib), chị phải đăng ký tại một điểm tiêm chủng dịch vụ ở Hà Nội trước gần 2 tháng. “So với lịch tiêm khuyến cáo, cháu bị tiêm chậm cả tháng nhưng phải chấp nhận”- chị Hương nói.

Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh khác cho biết do khan hiếm vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1” Infanrix Hexa (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm màng não mủ do Hib) nên nhiều điểm tiêm chủng dịch vụ chỉ chấp nhận tiêm vắc-xin cho những trẻ đã đăng ký tiêm mũi đầu tiên chứ không nhận trẻ đến tiêm các mũi 2, 3. Tình trạng vắc-xin chỉ được cung ứng nhỏ giọt, thậm chí đứng trước nguy cơ cháy hàng vào thời điểm nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đang hoành hành khiến các bậc cha mẹ khá hoang mang.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2015, tình trạng thiếu vắc-xin dịch vụ vẫn sẽ tái diễn; thậm chí với vắc-xin “6 trong 1”, tình trạng khan hiếm còn nghiêm trọng hơn năm 2014. Đối với vắc-xin dịch vụ “5 trong 1”, dù được thông báo là có hàng nhưng dự báo sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, vắc-xin dịch vụ khác như thủy đậu cũng đang đứng trước nguy cơ khan hiếm do khó khăn về nguồn cung.

Là một trong những đơn vị nhập khẩu vắc-xin, ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), cho biết nhu cầu tiêm một số loại vắc-xin trong năm 2014 tăng ít nhất 3-4 lần so với những năm trước. Dù các đơn vị nhập khẩu đã dự trù, lập kế hoạch nhưng nhà sản xuất không thể cung ứng đủ. “Với vắc-xin “6 trong 1”, loại vắc-xin được phụ huynh ưu tiên tiêm cho con vì kết hợp phòng nhiều loại bệnh, trong năm 2015 được dự báo sẽ không có hàng” - ông Đạt thông tin.

Để giải quyết bài toán bị động nguồn vắc-xin, một số nhà nhập khẩu đã đặt hàng cùng một loại thuốc với nhiều công ty ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, một số nhà phân phối cho biết cách làm này cũng không chắc chắn có đủ vắc-xin.

Lý giải nguyên nhân khan hiếm vắc-xin, PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết các công ty trên thế giới đang thử nghiệm một số loại vắc-xin mới nên không chú trọng tiếp tục sản xuất vắc-xin cũ. Mặt khác, nhiều quốc gia triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng nên “cầu” đã vượt “cung”. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng việc khan hiếm vắc-xin chỉ xảy ra đối với tiêm chủng dịch vụ còn trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn có vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm màng não mủ do Hib) do Hàn Quốc sản xuất với tác dụng tương tự để tiêm cho trẻ” - PGS Dương khẳng định.

tiem vacxin cho tre
Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng miễn phí ở xã phường, không nên chờ để tiêm vắc-xin dịch vụ. Trong ảnh: Tiêm chủng vắc-xin tại một phường ở Hà Nội
Không nên trì hoãn

Theo PGS Trần Như Dương, trong tiêm chủng thì việc tiêm đầy đủ và đúng lịch rất quan trọng bởi nó tạo được miễn dịch kịp thời, đầy đủ cho các cháu để phòng bệnh. Nếu cha mẹ trì hoãn, trẻ không được bảo vệ và có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm do tiêm chủng chậm.

Ông Dương cũng nhắc lại đợt dịch sởi năm 2014 có rất nhiều trẻ mắc sởi ở độ tuổi từ 9- 12 tháng tuổi, hay trong những tháng đầu năm có một số bị mắc bệnh ho gà khi chỉ mới 2- 4 tháng tuổi. Đây là những lứa tuổi đã được chỉ định tiêm vắc-xin nhưng vì lý do nào đó phụ huynh chưa cho con tiêm chủng, thậm chí trì hoãn tiêm để chờ vắc-xin dịch vụ trong thời gian khan hiếm nên trẻ đã mắc bệnh. Do đó để phòng bệnh ho gà, trẻ cần được tiêm vắc-xin lúc 2 tháng tuổi; phòng bệnh sởi trẻ cần được tiêm mũi 1 lúc 9 tháng tuổi.

Về vắc-xin “5 trong 1” từng gây nhiều lo ngại cho các bậc cha mẹ, ông Dương cho biết vắc-xin này đã được Tổ chức Y tế thế giới thẩm định, được Bộ Y tế kiểm định chất lượng hết sức nghiêm ngặt nên hoàn toàn bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, Việt Nam đã tự sản xuất được vắc-xin “3 trong 1” (DPT ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván) cũng đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều năm với chất lượng rất tốt. “Hiện vắc-xin DPT đang được sử dụng để tiêm mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi cho nên chúng ta hoàn toàn yên tâm về chất lượng 2 loại vắc-xin này”- ông Dương nói.

Ông Trần Đắc Phu cho biết vắc-xin sởi - Rubella hiện đang được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc cho khoảng 23 triệu trẻ từ 1-14 tuổi do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất và được Tổ chức Y tế thế giới thẩm định tính an toàn từ năm 2000. Đến nay, có khoảng 40 quốc gia sử dụng vắc-xin này. “Hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng đang cung ứng miễn phí 11 loại vắc-xin cơ bản và lúc nào cũng có vắc-xin. Tất cả các loại vắc-xin được cấp phép sử dụng, dù là vắc-xin ngoại hay do Việt Nam sản xuất, đều phải qua nhiều bước kiểm định, thử nghiệm lâm sàng và bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế về an toàn sử dụng” - ông Phu khẳng định và lưu ý với các loại vắc-xin chỉ có trong loại hình dịch vụ, phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm ngay khi đủ tuổi, đủ điều kiện mà không nên chờ đợi.

Tiêm bổ sung ngay khi có cơ hội

Ông Trần Đắc Phu khuyến cáo các bà mẹ thực hiện đầy đủ biện pháp phòng bệnh cho trẻ như tăng cường vệ sinh cá nhân, tăng cường dinh dưỡng, giữ ấm cho trẻ đúng cách; tránh bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng đúng lịch; thực hiện tiêm chủng cho trẻ đầy đủ theo lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với trẻ hoãn tiêm do bị ốm hoặc một lý do nào khác, cha mẹ cần liên hệ với đơn vị tiêm chủng để cho trẻ được tiêm bổ sung.
Ngọc Dung (Người lao động)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm vắc-xin cho trẻ: Đừng chậm chân!