Không quy định rõ ràng trách nhiệm bồi thường của người gây ra oan sai thì người dân phải “gánh” và án oan sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Tiền bồi thường oan sai: Ai trả?

Một Thế Giới | 10/06/2015, 05:29

Không quy định rõ ràng trách nhiệm bồi thường của người gây ra oan sai thì người dân phải “gánh” và án oan sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 3 năm qua, ngành tố tụng trong cả nước làm oan sai 71 vụ. Cùng thời gian này, các cơ quan chức năng phải bồi thường trên 40 tỉ đồng. Thế nhưng, những người đã gây oan sai cho người dân chưa có một ai bồi thường tiền lại cho nhà nước.
Sao người dân phải gánh?
Có phải là chúng ta chưa có luật để điều chỉnh hành vi này hay đã có mà chúng ta chưa áp dụng hoặc không áp dụng? Theo tôi, cần nhìn nhận vấn đề theo các mặt sau:
Trước hết, cơ sở pháp lý để điều chỉnh hành vi này là Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (TNBTNN). Cụ thể tại điểm b, khoản 2, điều 10 Luật TNBTNN, quy định: “Người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả ngân sách nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại...”.
Còn điều 56, Nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ, quy định: “1. Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. 2. Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại... không phải chịu trách nhiệm hoàn trả”…
Tien boi thuong oan sai: Ai tra?-hinh-anh-1
 Vấn đề tiền bồi thường oan sai cho ông Chấn phải trích từ ngân sách
gây nhiều luồng ý kiến trong dư luận
Như vậy, trong trường hợp gây ra oan sai thì việc đầu tiên là trích từ ngân sách nhà nước bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sau đó người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại phải có nghĩa vụ hoàn trả cho nhà nước.
Về thực tiễn, hiện đã có mấy trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước? Nếu những người thi hành công vụ này không hoàn trả hay không có khả năng hoàn trả thì chính người dân sẽ phải gánh vác các khoản bồi thường thiệt hại này. Đây là một điều không thể chấp nhận được.
Cơ chế lỏng lẻo
Để buộc người thi hành công vụ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai phải chứng minh được họ thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Để kết luận hành vi với lỗi cố ý phải bằng một bản án có hiệu lực của tòa án. Tuy nhiên, việc chứng minh thế nào là lỗi vô ý và lỗi cố ý trong tố tụng hình sự rất khó khăn.
Khi vụ việc oan sai xảy ra, các cơ quan tiến hành tố tụng thường cho rằng cán bộ của ngành, của cơ quan mình năng lực còn hạn chế và viện ra muôn vàn lý do khác để “đẩy” trách nhiệm bồi thường về phía nhà nước và suy cho cùng vẫn là người dân phải gánh vác thay cho họ. Cách diễn giải này không thuyết phục bởi một cán bộ, điều tra viên, kiểm sát viên hay thẩm phán đều được đào tạo một cách chuyên nghiệp thì không thể lấy lý do “năng lực hạn chế” để tránh bồi thường.
Điều quan trọng tôi muốn nói chính sự lỏng lẻo của cơ chế đã làm án oan ngày càng nhiều hơn. Người thi hành công vụ không xem trách nhiệm bồi thường là một nghĩa vụ mà mình phải gánh vác, cho nên khi thi hành công vụ họ đã không cẩn trọng, thậm chí biết là sai những vẫn làm.
Có quan điểm cho rằng nếu như đặt nặng vấn đề làm sai phải bồi thường thì không còn cán bộ nào dám làm việc? Quan điểm này hoàn toàn lệch lạc. Chúng ta phải tuân thủ một cách tuyệt đối những gì pháp luật đã đề ra; do đó, trong khi hành xử, người thi hành công vụ phải hết sức cẩn trọng, tránh làm oan sai và không để lọt tội phạm. Có như vậy, khi thi hành công vụ anh mới thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nếu như cứ tiếp tục với lý do “năng lực hạn chế” hay đi tìm những chứng cứ “chứng minh lỗi cố ý hay lỗi vô ý” của người thi hành công vụ thì án oan sẽ mãi còn và nhà nước tiếp tục bồi thường thay cho những người thi hành công vụ này.
Không thể chấp nhận
Rất nhiều bạn đọc đã bức xúc khi biết phải trích ngân sách hơn 7,2 tỉ đồng để bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Bạn đọc Tâm Lan lý luận: “Ai gây ra oan sai thì người đó phải bồi thường. Nếu lấy ngân sách chi trả thì khác nào là lấy tiền của người dân đóng thuế. Chúng tôi không có lỗi gì trong chuyện này sao phải bồi thường?”.

Nhiều bạn đọc khác cho rằng nỗi đau mà một số cán bộ, điều tra viên và cả tòa án đã gây cho ông Chấn là quá lớn. Bồi thường cũng chỉ phần nào xoa dịu những thiệt thòi mà ông đã chịu. Nếu cứ viện đủ lý do để những người liên quan trên không phải bồi thường thì quá bất công.
“Nếu thiếu năng lực thì cho nghỉ việc, còn cố tình gây oan sai thì xử lý. Người dân đã đóng thuế để trả lương cho các anh làm việc nhưng khi làm sai, các anh lại buộc người dân phải gánh hậu quả thì không thể chấp nhận được” - bạn đọc Lý Ngân Hòa bức xúc.
P.Hồ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thế Trạch (Nld.com.vn)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền bồi thường oan sai: Ai trả?