Tuy mới bước vào mùa mưa năm nay, tình hình sạt lở ven sông, ven biển ở tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp, trong đó có điểm đã khắc phục vẫn tái sạt lở.

Tiền Giang đầu mùa mưa báo động sạt lở ven sông, ven biển

Mỹ Tho | 30/05/2023, 17:24

Tuy mới bước vào mùa mưa năm nay, tình hình sạt lở ven sông, ven biển ở tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp, trong đó có điểm đã khắc phục vẫn tái sạt lở.

sat-lo-1.jpg

Sạt lở tại xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy - Ảnh: Mỹ Tho

Mới đây, tại đường huyện 54B (phía Đông sông Ba Rài) tại địa bàn ấp Hội Trí, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã xảy ra 2 điểm sạt lở lớn làm chia cắt tuyến đường giao thông trọng yếu này. Điểm sạt lở thứ nhất dài khoảng 50 mét; trong đó có 21 mét bị sạt lở hoàn toàn xuống sông, thủy triều ăn sâu vô gần 4 mét và đoạn dài 29 mét đang bị bong nứt, có nguy cơ sạt lở tiếp.

sat-lo-3.jpg
Sạt lở ở trên địa bàn huyện Cai Lậy - Ảnh: Mỹ Tho

Đoạn sạt lở thứ 2 dài gần 40 mét là điểm sạt lở mà năm 2019 huyện Cai Lậy đã làm kè khắc phục, nay tái sạt lở. Bà Nguyễn Thị Dung, người dân ấp Hội Trí, xã Hội Xuân lo ngại: “Người dân chúng tôi sống ở đây không yên tâm chút nào vì sạt lở tái diễn, nhà vườn bán sầu riêng không chở ra được bị thiệt hại nặng. Tôi mong Nhà nước phải khẩn cấp xây kè bảo vệ chứ sạt lở có thể tiếp tục xảy ra. Đồng thời phải hạn chế tải trọng ô tô qua tuyến đường này nếu không thì sạt lở tái diễn”.

sat-lo-10.jpg
Sạt lở bờ sông là vấn nạn ở ĐBSCL - Ảnh: Mỹ Tho

Ông Dương Trần Trọng Quang, Chủ tịch UBND xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy chia sẻ: “Xã vừa xảy ra 2 điểm sạt lở đã chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân nhất là vào thời điểm thu hoạch trái cây. Địa phương cho tạm đi lối đi khác chờ các ngành chức năng hỗ trợ gia cố. Phương án hướng tới có thể đề xuất làm kè kiên cố thì sẽ đảm bảo tính bền vững chứ còn làm kiểu thủ công thì không an toàn”.

sat-lo-9.jpg
Nhiều điểm sạt lở ở Tiền Giang mất dấu bờ sông - Ảnh: Mỹ Tho

Điều đáng nói là sau khi xảy ra sạt lở lớn, UBND xã khẩn trương báo về huyện Cai Lậy nhưng đến nay các ngành chức năng chưa tham mưu cho UBND huyện giải pháp khắc phục. Đặc biệt, một đoạn bờ kè chống sạt lở tại đây dù xây dựng từ năm 2021 nhưng đến nay huyện Cai Lậy chưa hoàn trả đủ cho nhà thầu. Do đó, khi sạt lở tái diễn ven sông Ba Rài rất khó kêu gọi nhà thầu thi công khắc phục.

Bờ sông Ba Rài thuộc địa bàn xã Hội Xuân là một trong những “điểm nóng” của sạt lở ở tỉnh Tiền Giang. Theo thống kê của UBND xã từ đầu năm đến nay đã xảy ra 3 điểm sạt lở và từ năm 2021 đến nay địa bàn có 15 điểm sạt lở ven sông.

sat-lo-8.jpg
Biển Gò Công cũng đang sạt lở nhiều nơi - Ảnh: Mỹ Tho

Theo Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cai Lậy, địa phương đang thi công 8 điểm sạt lở với chiều dài mỗi điểm từ 30-50 mét, tổng kinh phí đầu tư là 4,8 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Năm, Phó giám đốc Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cai Lậy cho biết, do không đủ kinh phí nên đa số các công trình thi công kè rọ đá, chứ không có công trình này bê tông dự ứng lực. Vì mỗi mét tới khi xây kè bê tông phải cần 70-80 triệu đồng.

sat-lo-5.jpg
Làm kè bảo vệ bờ sông ở Tiền Giang hữu hiệu nhưng rất tốn kém vì quá nhiều bờ sông - Ảnh: Mỹ Tho

Mới đây, tại bến phà Tân Long ở ấp Tân Phú, xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) đã xảy ra điểm sạt lở lớn ven sông Tiền, đe dọa tính mạng và tài sản người dân. UBND tỉnh Tiền Giang đã đề xuất Bộ NN-PTNT triển khai thực hiện dự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực bến phà Tân Long với quy mô kè dạng tường đứng trọng lực đặt trên hai hàng cọc bê tông cốt thép ly tâm máy gia cố thảm đá với tổng dự toán khoảng 110 tỉ đồng.

Riêng khu vực ven bờ đê biển Gò Công, gió chướng thổi mạnh, gây sóng to đã gây sạt lở nghiêm trọng diện tích đất và rừng phòng hộ ven biển tại các xã Kiển Phước, Tân Điền, Tân Phước (huyện Gò Công Đông).

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 34 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 8,8km, nhiều nhất là tại huyện Cái Bè, Châu Thành và Thị xã Cai Lậy, cần nguồn kinh phí hơn 47,5 tỉ đồng. UBND tỉnh Tiền Giang có chủ trương sẽ đầu tư khắc phục 16 điểm sạt lở lớn, riêng 18 điểm sạt lở vừa và nhỏ cấp huyện xử lý. Riêng khu vực ven biển, Ban Quản lý dự án các công trình NN- PTNT tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai dự án Nâng cấp đê biển giai đoạn 2 với kinh phí 200 tỉ đồng.

sat-lo-11.jpg
Tiền Giang đầu tư từ ngân sách hàng trăm tỉ đồng để bảo vệ bờ biển - Ảnh: Mỹ Tho

Điều đáng quan tâm là từ trước đến nay, do thiếu nguồn kinh phí nền hầu hết các điểm sạt lở do cấp huyện của tỉnh Tiền Giang chỉ khắc phục bằng biện pháp thủ công hay bán kiên cố như xây kè rọ đá hiệu quả không cao. Một số điểm đã khắc phục vẫn tái sạt lở nghiêm trọng hơn. Cá biệt như tại xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) có một điểm sạt lở lớn tại bờ kênh 28 đã 2 lần khắc phục rất tốn kém kinh phí. Hiện nay, trên địa bàn vẫn còn nhiều điểm sạt lở “hàm ếch” chưa được khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp cho biết thêm: “Về sạt lở nhiều năm nay chưa được khắc phục có ảnh hưởng đến phát triển của địa phương, người dân. Hiện tại trên địa bàn xã có 5 điểm sạt lở lớn nhỏ trên 1,2km; trong đó có 1 điểm gây ách tắc giao thông không đi lại được. Đối với chính quyền địa phương đã có văn bản gửi phòng NN-PTNT, UBND huyện đề xuất, kiến nghị cấp tỉnh và cấp trên xem xét, sớm khắc phục để người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế tại địa phương”.

Sạt lở đất ven sông, ven biển cần nguồn kinh phí rất lớn, nhất là xây dựng các công trình kè bê tông kiên cố. Do đó, Tiền Giang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành TW để sớm khắc phục các điểm sạt lở lớn, mang tính bền vững. Phía địa phương cũng cần thực hiện các giải pháp phi công trình, nhân rộng các mô hình phòng ngừa sạt lở đạt hiệu quả cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang đầu mùa mưa báo động sạt lở ven sông, ven biển