Nhạc sĩ Văn Cao nói: 'Nhiều lúc, tôi cũng thích "hủ hoá" chút chút nhưng vì mình là tác giả của Quốc ca nên lại phải giữ gìn. Vậy là khác nào trên đầu tôi đang có chiếc "vòng kim cô" của nhà Phật hầu, muốn thoát tục cũng không được'.

'Tiến quân ca' và nỗi niềm của Văn Cao giờ mới thành hiện thực

13/07/2016, 05:41

Nhạc sĩ Văn Cao nói: 'Nhiều lúc, tôi cũng thích "hủ hoá" chút chút nhưng vì mình là tác giả của Quốc ca nên lại phải giữ gìn. Vậy là khác nào trên đầu tôi đang có chiếc "vòng kim cô" của nhà Phật hầu, muốn thoát tục cũng không được'.

Theo thông tin từ Bộ VHTT&DL, ngày 15.7 tới Văn phòng Quốc hội sẽ tổ chức lễ tiếp nhận ca khúc “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao từ gia đình ông. Buổi lễ sẽ được tổ chức long trọng tại tòa nhà Quốc hội. Được biết, tại đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng sẽ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao và tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho bà Nghiêm Thuý Băng - vợ cố nhạc sĩ.

Vậy là 71 năm sau khi ra đời, Quốc ca Việt Nam đã chính thức trở thành tài sản tinh thần vô giá của Nhân dân Việt Nam sau thời gian 6 năm (từ 2010) bà quả phụ Văn Cao gửi thư bày tỏ tâm nguyện đến Quốc hội muốn hiến tác phẩm "Tiến quân ca" theo nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao cho Dân, cho Quốc hội và Đảng CSVN, nhưng nay mới có thể làm lễ tiếp nhận cho đúng nghi thức trang trọng cần thiết.

Vào năm 2015, khi đất nước long trọng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, một "sự cố" hy hữu đã xảy ra khiến dư luận cả nước phải ngỡ ngàng đến khó tin. Đó là việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tạo một phen "dậy sóng" do việc đòi thu tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao trong chương trình “Hát mãi khúc quân hành” ngày 15.8 tại Nhà hát Tuổi Trẻ; chương trình “Tự hào tổ quốc tôi” (do báo Thanh Niên thực hiện) ngày 17.8 tại Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa Hà Nội và chương trình "Điều còn mãi" của báo VietNamnet ngày 2.9 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Câu chuyện có thực như vậy nhưng nhiều vị lãnh đạo vẫn không tin tại sao lại có thể diễn ra nhiều năm, thậm chí còn phê bình các báo đã nói quá (!). Thế rồi, mọi việc đã tỏ tường và từ đó, cách thu tiền vô cảm nói trên đã chấm dứt.

Phải chăng vì những câu chuyện có thật gây bức xúc này mà nhiều người mới vỡ lẽ ra rằng bài “Tiến quân ca”, nếu hát theo lối biểu diễn nghệ thuật như một ca khúc bình thường thì bị thu phí tác quyền giống với các tác phẩm âm nhạc khác trong chương trình. Còn nếu hát như hát Quốc ca thuần tuý theo nghi thức chào cờ ở các kỳ cuộc mit tinh, hội nghị... thì đương nhiên không bị thu phí.

Có một câu chuyện hoàn toàn có thật, xin được kể lại với tư cách của người viết báo đã được vinh hạnh gặp nhạc sĩ Văn Cao lúc ông còn mạnh khoẻ. Vào năm 1991 khi đó, nhạc sĩ Văn Cao và gia đình ông sống ở trên gác ngôi biệt thự nhỏ ở phố Yết Kiêu. Tôi có đến thăm để hỏi lại ông chuyện cũ của những năm 80, xin viết về ông nhân hồi trước đó chúng ta có chủ trương phát động cuộc thi sáng tác Quốc ca mới nhưng rồi không thành công.

Sau một thời gian phát động, điều tưởng không khó ấy xem ra lại quá khó bởi chất lượng của các nhạc phẩm dự thi cứ thấy thiêu thiếu một cái gì đó . Hình như ngoài cái chất tráng ca hào hùng lại phải có được sự nghiêm trang cần thiết nào đó thì nó mới ra nổi một bài Quốc ca? Nếu không có thực tiễn, không có bối cảnh như giai đoạn Cách mạng tháng Tám mà nhạc sĩ Văn Cao sáng tác thì khó có được cái hồn như vậy.

Ông kể với tôi, đại ý rằng, khi Quốc hội có thông báo sẽ tổ chức thi sáng tác Quốc ca mới để thay Quốc ca hiện thời vì nhiều lý do, tôi không khỏi suy nghĩ. Quả đúng là trong Tiến quân ca mà tôi sáng tác ngày trước, nó cũng có những ca từ không còn phù hợp nữa. "Lúc tôi nghe thông tin này chính là lúc tôi được Nhà nước cho sang Cộng hoà Dân chủ Đức tham quan, nghỉ dưỡng. Lúc đầu thì phải nói thật lòng rằng nó cũng hơi có chút hụt hẫng nhất định. Song nghĩ lại, tôi thấy cũng có lý và biết đâu cũng lại là điều hay. Nói thật, tôi là nhà thơ, là hoạ sĩ và là nhạc sĩ nên nhiều lúc cũng cảm thấy đứa con tinh thần thiêng liêng đó lại trở thành một gánh nặng tâm lý cho tôi. Nhiều lúc, tôi cũng thích "hủ hoá" chút chút nhưng vì mình là tác giả của Quốc ca nên lại phải giữ gìn. Vậy là khác nào trên đầu tôi đang có chiếc "vòng kim cô" của nhà Phật hầu, muốn thoát tục cũng không được. Thế là tôi lại thấy mừng bởi sắp được thoát khỏi cái "vòng kim cô" đó".

Thấy tôi tỏ vẻ hơi lạ tai khi ông nhắc đến từ "hủ hoá ", ông đọc vị nhanh trong đầu tôi và giải thích: "Cái từ "hủ hoá" mà tôi vừa nói, cậu đừng hiểu sai đi nhé! Nó có nghĩa rất rộng và không hoàn toàn như người ta hay dùng cụm từ đó cho người nào có tính lăng nhăng vụng trộm trai gái đâu. Ý tôi muốn nói là sắp đến lúc mình cũng sẽ được tự do hơn, bớt phải ý tứ, đạo mạo hơn khi đi đâu, làm gì. Muốn ngồi vệ đường làm chén rượu suông , uống chén trà nóng nói chuyện tào lao với bè bạn, tôi đều có thể tự do thoải mái, không còn phải giữ ý như bây giờ. Nếu có quá chén rồi nói quá lời một chút cũng chẳng ảnh hưởng tới ai. Nếu phải bò lê về nhà lúc quá chén thì cũng là chuyện bình thường của một con người. Muốn ngắm một phụ nữ đẹp để lấy cảm hứng sáng tác những bức tranh, tôi cũng cảm thấy thoải mái, tự nhiên hơn... Chỉ vì vướng cái "vòng kim cô" kia mà tôi lại phải đạo mạo hơn, nhiều khi không còn là "tôi" của ngày xưa nữa. Cậu đừng tưởng đó là chuyện giản đơn nhé. Người có tiếng tăm một chút nó khổ vậy đấy! Với một anh làm văn nghệ như tôi, quả là rất khó!".

Vậy là từ 15.7.2016 này trở đi, "Tiến quân ca" - đứa con tinh thần của cố nhạc sĩ Văn Cao dù đã đi suốt chiều dài lịch sử nước nhà với biết bao tự hào cũng như không ít thăng trầm ở nơi con người đa tài ấy sẽ chính thức trở thành tài sản quốc gia. Song dù ở vị thế nào, cho dù quyền tác giả của ca khúc bất hủ đó được hiến tặng cho đất nước thì tên tuổi của ông luôn sống mãi theo thời gian và đồng hành cùng dân tộc... Trong dịp này, ngoài việc cố nhạc sĩ được Đảng , Nhà nước trao Huân chương cao quý, có lẽ cũng nên nghĩ đến gia đình ông, những người lẽ ra được hưởng quyền thừa kế tác phẩm vô giá kia. Nếu có được một chính sách gì đó cho gia đình ông thì kể cũng xứng đáng. Tôi tin rằng, ở nơi suối vàng, cố nhạc sỹ sẽ nhấp ly rượu trắng quen thuộc rồi ngậm cười cùng tất cả chúng ta, những thế hệ sau, luôn biết uống nước nhớ nguồn...

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lễ Quốc khánh 2.9 người dân được nghỉ 4 ngày
15 phút trước Sự kiện
Công chức, viên chức, người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 kéo dài 4 ngày liên tiếp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Tiến quân ca' và nỗi niềm của Văn Cao giờ mới thành hiện thực