Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Nam phụ trách Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn về quá trình chuyển giao nhạc Trịnh cho thế hệ mới.
Sáng 1.4, kỷ niệm 23 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (2001 - 2024), gia đình cố nhạc sĩ đã mở cửa nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM cho những người yêu mến ông đến thắp hương tưởng niệm và đón nhận nhiều tình cảm không thể đong đếm được của người hâm mộ dành cho cố nhạc sĩ và gia đình.
Kỷ niệm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm nay, gia đình không làm các chương trình nghệ thuật hoành tráng mà tập trung vào các hoạt động chiều sâu để bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản âm nhạc của ông.
Nhân dịp ngày giỗ, gia đình nhạc sĩ đã công bố thành lập nhóm nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn). Đây là kết quả sau một thời gian hợp tác giữa gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Đại học Fulbright Việt Nam. Nhóm nghiên cứu gồm có tiến sĩ Nguyễn Nam - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam; ông Nguyễn Trung Trực, bà Trịnh Vĩnh Trinh... thân nhân nhạc sĩ, nhằm lan tỏa những giá trị của âm nhạc Trịnh Công Sơn đến cộng đồng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
Trong dịp này, tiến sĩ Nguyễn Nam đã dành riêng cho phóng viên Một Thế Giới cuộc trò chuyện về quá trình chuyển giao nhạc Trịnh cho thế hệ mới mà nhóm của ông đang bắt đầu thực hiện.
Video toàn bộ cuộc trò chuyện của tiến sĩ Nguyễn Nam về âm nhạc Trịnh Công Sơn trong quá trình chuyển giao cho thế hệ mới:
Tiến sĩ Nguyễn Nam - thành viên nhóm nghiên cứu Trịnh Công Sơn hiện là giảng viên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Đại học Fulbright Việt Nam.
Ông từng là giảng viên, Chủ nhiệm bộ môn Đông Á học (1993-1994) và bộ môn Trung Quốc học (2010-2012) của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Sau khi nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành Đông Á học và bằng tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ và văn minh Đông Á (EALC) tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1996, ông phụ trách quản lý chương trình tiến sĩ của Viện Harvard-Yenching (HYI) từ năm 2004 đến 2010. Ông được mời giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Đông Nam Á, thuộc Viện Nghiên cứu Á - Phi (Đại học Hamburg, Đức) vào mùa hè năm 2013. Ông cũng là giảng viên chương trình Lưu học của sinh viên Mỹ thuộc Đại học Loyola Chicago ở TP.HCM từ năm 2012. Trọng tâm nghiên cứu của ông gồm văn học so sánh (chủ yếu về văn học Đông Á), phiên dịch học, cải biên học. Ông cũng đang là cộng tác viên cho Viện Harvard-Yenching.