"Dù tôi không thể giúp người mù có đôi mắt  sáng trở lại, nhưng tôi muốn giúp họ biết được màu sắc, có thể ngắm được tranh, cảm nhận được cái hồn của bức tranh, biết được từng cử chỉ, ánh mắt của người đối diện mình. Tôi khát khao đôi mắt thần giúp người mù tri giác được mọi vật xung quanh”

Tiến sĩ trẻ đi tìm 'mắt thần' cho người mù

Một Thế Giới | 30/11/2014, 05:13

"Dù tôi không thể giúp người mù có đôi mắt  sáng trở lại, nhưng tôi muốn giúp họ biết được màu sắc, có thể ngắm được tranh, cảm nhận được cái hồn của bức tranh, biết được từng cử chỉ, ánh mắt của người đối diện mình. Tôi khát khao đôi mắt thần giúp người mù tri giác được mọi vật xung quanh”

Chàng tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải, giảng viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chia sẻ về ước mơ của mình.

Tự bỏ tiền để nghiên cứu

Đúng như cái tên “mắt thần”, đôi mắt ấy có thể giúp cho người mù nhận biết vật phía trước ở đâu, cao thấp, to nhỏ, đứng yên hay di động…
 Chiếc mắt kính được gọi là “mắt thần” này khá đơn giản. Ngoài bộ phận đo khoảng cách từ người đeo đến các vật xung quanh, còn có bộ phận điều khiển trung tâm để thu các tín hiệu khoảng cách và bộ rung động để phát ra các tín hiệu xúc giác. Và chính bộ rung động này giúp người mù khi đeo phát hiện được vật cản ở xa hay gần, to hay nhỏ, cao hay thấp, giúp người mù tránh được vật cản và biết được vật cản còn cách mình bao xa. Hiện nay, giá của chiếc “mắt thần” này rẻ gấp trăm lần so với nước ngoài, khoảng 2,2 triệu đồng.
Chàng tiến sĩ vừa tròn 31 tuổi, chuyên ngành robot sinh học Nguyễn Bá Hải kể: cách đây khoảng 4 năm, khi vừa lấy xong bằng tiến sĩ ở Hàn Quốc, anh quay trở lại Việt Nam giảng dạy tại Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM. 
Có lần đi ngang qua Hội người mù quận Thủ Đức, TP.HCM, Hải cảm nhận có một sự bất an trong những bước di chuyển của người mù, nhiều người bị va đập, gây không ít thương tích trong quá trình di chuyển.
Xót thương hơn, chính là những người mù nghèo khổ, phải đi bán vé số, mỗi khi di chuyển chỉ dùng chiếc gậy để quơ quơ về phía trước, nhằm phát hiện những vật cản để tránh. Chiếc gậy đó chỉ có thể tránh được những vật ở dưới thấp, còn những vật ở trên cao không thể phát hiện được.
Vì thế, không ít người khi di chuyển bị vật cản va đập vào đầu, gây thương tích, thậm chí có người còn bị chấn thương sọ não.

Lúc ấy, Hải lại lóe lên trong suy nghĩ, tại sao những con robot lại biết đi, biết tránh được những vật cản phía trước, mà mình không thể sáng chế một công cụ hỗ trợ cho người mù có thể nhận biết được những vật cản xung quanh để tránh.

“Những con robot vô tri, vô giác, nhưng tôi có thể sáng tạo để nó nhận biết được những vật xung quanh, vậy tạo sao tôi không thể sáng chế một “ đôi mắt” giúp người mù có thể nhận biết được mọi vật xung quanh”, Hải bộc bạch.

mat than
Tiến sĩ  trẻ  Nguyễn Bá Hải hướng dẫn người mù đeo đôi mắt thần ở những bản đầu tiên có trọng lượng lên  đến hơn 2kg và giá đến 20 triệu đồng
Năm 2012, lần đầu tiên Hải cho ra đời đôi “mắt thần” có khả năng giúp người mù biết được những vật xung quanh mình ở đâu, to hay nhỏ, cao hay thấp, xa hay gần… Nhưng chiếc “mắt thần” ấy rất cồng kềnh, nặng gần 2kg và có giá lên đến 20 triệu đồng.

Đó cũng là thời điểm  đầy khó khăn, gian khổ đối với chàng tiến sĩ trẻ này. Khi đó, Hải phải bỏ ra đến 40, 50 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc sáng chế, và cả công sức trong khoảng một thời gian dài để nghiên cứu; nhưng không biết có được đón nhận hay không.

Hải nhớ lại: “Sau khi đôi “mắt thần” này ra đời, người đầu tiên đến gặp tôi trực tiếp và chia sẻ việc làm này chính là một chị tiểu thương bán gạo ở chợ Thủ Đức. Khi ấy cũng vào năm 2012, chị ấy đến gặp để động viên, đồng thời ủng hộ tôi một số tiền để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê mắt thần, với hy vọng, giúp người mù tìm lại ánh sáng”.

Từ đó, Hải bắt đầu nhận nhiều hơn những lời động viên, không chỉ cá nhân mà cả tập thể, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến chia sẻ cả tinh thần, lẫn vật chất, giúp Hải có nguồn kinh phí tiếp tục nghiên cứu, cải tiến đôi mắt thần này. 
Đến nay, sau nhiều lần cải tiến, đôi mắt thần đã ở phiên bản 9, rất gọn nhẹ, như một chiếc mắt kính bình thường, trọng lượng chỉ khoảng 200gr với giá giảm đến chục lần, chỉ còn hơn 2 triệu đồng.

Chia sẻ mắt thần cho người nghèo

Thật ra, với cái giá 2 triệu đồng ở thời điểm này không phải là quá cao, nhưng nó lại là số tiền quá lớn đối với những người nghèo.

Hải hiểu rằng, trong khoảng 15 triệu người mù hiện nay ở Việt Nam, phần lớn những người mù đều có hoàn cảnh nghèo khó, nhiều người phải bán hàng rong, bán vé số… nên để tiếp cận được với đôi “mắt thần” này là điều không hề dễ.

mat than
Và đôi mắt thần phiên bản mới nhất chỉ có trọng lượng khoảng 200gr với giá khoảng 2 triệu đồng. 
Theo Hải, giá của đôi “mắt thần” hiện nay đang là giá lỗ, chỉ mới tính chi phí nguyên vật liệu sản xuất, chứ chưa tính công hay những chi phí khác trong quá trình sản xuất.
"Không lẽ Hải làm không công, lấy gì mà sống?", trả lời câu hỏi này, Hải chia sẻ làm khoa học là niềm đam mê, sở thích. "Còn nếu nói có tiền để sống thì tôi làm những việc khác, có thể đứng lớp, huấn luyện, đào tạo cho các tập đoàn, nhà sản xuất ô tô."
 "Tất nhiên, trong việc làm của tôi cũng có sự chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là Công ty Kiến Bình Minh, một đơn vị phi lợi nhuận đã cùng tôi sát cánh đến với những người mù có hoàn cảnh khó khăn, mang đến ánh sáng cho họ”, Hải nói.

Giờ đây chàng tiến sĩ trẻ này, không chỉ sáng chế mà còn mang cả những đôi “ mắt thần” để dành tặng cho những người mù nghèo. Mỗi chuyến đi công tác, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa của Việt Nam, dù với bất kỳ công việc gì, Hải cũng dành chút ít thời gian để khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh của những người mù.

Hôm gặp chúng tôi, Hải đang chuẩn bị hành lý để  từ TP.HCM đi Quảng Trị và sau đó qua nước bạn Lào. Hải cho biết, đây chỉ là chuyến đi thuần túy công việc chuyên môn, nhưng chắc chắn, anh sẽ đến Hội người mù Đông Hà (Quảng Trị) để tìm hiểu về hoàn cảnh của những người mù ở đây, lên kế hoạch tặng “mắt thần”.
mat than
Tiến sĩ  Nguyễn Bá Hải cùng các mạnh thường quân tặng " mắt thần" cho những người mù ở huyện Bình Chánh, TP.HCM 
Mấy năm qua, Hải cũng đã bỏ tiền túi để tặng hàng chục đôi “mắt thần” cho những người mù nghèo. Nếu nơi nào cần số lượng lớn, thì Hải sẽ kết hợp với các mạnh thường quân, doanh nghiệp để mua tặng. Đến nay số “mắt thần” dành tặng cho người mù nghèo lên đến hơn 300 chiếc.

Mặc dù vậy, Hải vẫn mong muốn giúp được nhiều hơn cho người mù. Điều mà anh đang ấp ủ thực hiện, đó là làm sao tiếp tục cải tiến đôi“ mắt thần” này có thể giúp người mù phân biệt được màu sắc, biết được từng cử chỉ, động thái của người đối diện nói chuyện với mình.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiến sĩ trẻ đi tìm 'mắt thần' cho người mù