Những ngày qua, người dân xôn xao việc bà Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tổ chức tiệc cưới suốt 3 ngày cho con trai, với hàng ngàn khách mời tham dự. Trong đó, có nhiều Đại biểu Quốc hội dùng xe công đi ăn cưới.

Tiền thuế dân đóng, ĐBQH đừng dùng đi ăn cưới!

25/07/2019, 14:29

Những ngày qua, người dân xôn xao việc bà Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tổ chức tiệc cưới suốt 3 ngày cho con trai, với hàng ngàn khách mời tham dự. Trong đó, có nhiều Đại biểu Quốc hội dùng xe công đi ăn cưới.

Bà Đào - người tổ chức tiệc cưới cho con trai, gây xôn xao dư luận - Ảnh: Hàm Yên

Trước đó, dù lễ cưới chính thức in trên thiệp cưới gửi cho khách mời là ngày 21.7, nhưng từ sáng 19.7, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Sóc Trăng, đã thuê người dựng 2 rạp cưới, bố trí được khoảng trên 50 bàn tại nhà riêng ở khu dân cư Đại Thành, TT.Mỹ Xuyên, H.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Đến chiều cùng ngày, theo gợi ý của khách mời, bà Đào tổ chức tiệc "tiền nhóm họ" dành riêng cho những cán bộ chủ chốt của tỉnh Sóc Trăng. Đúng 16 giờ ngày 20.7, bà Đào lại tổ chức tiệc nhóm họ và có thiệp mời in hẳn hoi.

Đến 10 giờ ngày 21.7, bà Đào tiếp tục tổ chức tiệc cưới chính thức. Theo thông tin mời trên thiệp, trên 400 người đến chia vui cùng vợ chồng nữ cán bộ vào buổi này. Đến chiều cùng ngày, tại nhà hàng Hải Tượng trong khu đô thị 5A, bà Đào tiếp tục tổ chức tiệc đãi khách với số lượng 80 bàn (khoảng 800 người). Nhiều xe biển số xanh, đỏ đưa cán bộ đến dự tiệc cưới mà người dân cho là lớn nhất Sóc Trăng vì kéo dài đến 3 ngày...

Điều đáng nói, trong các quan chức đi xe công đến dự tiệc cưới, có lãnh đạo nhiều đoàn ĐBQH ở nhiều tỉnh thành. Như Phó đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ - ông Nguyễn Thanh Xuân; ông Nguyễn Huy Thái, Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, Phó đoàn ĐBQH Đồng Tháp - Phạm Văn Hòa...

ĐBQH Việt Nam là người được cử tri Việt Nam trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các đại biểu được bầu chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước.

Thông qua các đại biểu và thông qua Quốc hội, người dân Việt Nam sử dụng quyền lực của mình để định đoạt các vấn đề của đất nước. Do đó, việc tổ chức tiệc cưới linh đình của người đảm trách Trưởng đoàn ĐBQH ở 1 tỉnh, khiến nhiều người dân không hài lòng. Và dân hoàn toàn không hề mong muốn ĐBQH dùng xe, xăng... mua từ tiền thuế của dân, để đi ăn cưới!

ĐBQH cũng là con người, có quan hệ xã giao, và không ai phê phán việc họ đi ăn cưới. Thế nhưng nếu đi, nên tự bỏ tiền túi thuê xe, không sử dụng tài xế mà ngân sách trả lương! Nếu bao biện rằng, tiền xăng họ không thanh toán, tự trả, thế thì khấu hao xe công, tiền tài xế mà ngân sách trả lương, dân vẫn chịu!

1 trong nhiều chiếc xe công chở cán bộ đến dự tiệc cưới con trai bà Đào - Ảnh: Hàm Yên

Dân họ cần: nên sử dụng tiền thuế của họ vào việc giám sát cán bộ thực thi luật, cứ dùng xe công đi tận nơi tiếp xúc dân, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ mà đóng góp cho việc quyết định những chính sách quan trọng của đất nước...

Nhất là khi điều 3, Luật Bầu cử ĐBQH, quy định 1 ĐBQH phải có tiêu chuẩn quan trọng - đó là ĐBQH phải có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh, chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật!

Chính phủ đã có nhiều quy định, siết chặt tình trạng sử dụng xe công bừa bãi. Các ĐBQH, hơn ai hết là những người nằm rõ điều đó, để phát hiện những cán bộ sai phạm. Thế mà... Có lẽ, không người dân nào, khi bỏ lá phiếu bầu 1 ĐBQH nào đó, lại muốn người này sẽ dùng tiền thuế của họ đi ăn cưới!

ĐBQH cũng là người liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm! Nếu ĐBQH không gương mẫu, thì khó “phê phán” khi giám sát cán bộ làm sai quy định của Đảng và Nhà nước! Và ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

Trở lại chủ nhân tiệc cưới xa hoa là bà Đào. Bà này cũng nói rằng, trong những ngày diễn ra đám cưới con bà, anh em các tỉnh có chuyến công tác tại Cà Mau, trên đường về có ghé vào chung vui. “Mấy anh em ở các tỉnh đến tỉnh mình công tác, hay tin vui thì đến chúc mừng. Một số anh em này có hoạt động ở trường chính trị tại Cà Mau nên sẵn dịp ghé qua...”, bà Đào nói.

Tuy nhiên, đó chỉ là diễn giải từ phía bà Đào, bởi với nhiều người miền Tây, thì ngoại trừ đám tang, còn lại các đám khác, nếu không mời thì không ai “muối mặt” đến dự! Đó có lẽ là cách lý giải luồn lách, không thừa nhận sai phạm của người đại diện cho nhân dân.

Theo Quy định số 55-QĐ/TW, việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hóa mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nghiêm cấm việc lợi dụng để "biếu xén", đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, chè chén xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Vậy dù có bao biện thế nào đi nữa, như do cưới dâu lần đầu, do quan hệ rộng... thì chuyện tổ chức tiệc cưới của bà Đào cho con trai “rầm rộ” như vậy, đúng hay sai có lẽ đã rõ.

Bà Cẩm Đào hiện là Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng; Thường vụ Tỉnh ủy; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng. Trước khi là ĐBQH, bà Cẩm Đào kinh qua các chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng; Bí thư Huyện ủy Châu Thành. Liên quan đến trách nhiệm của bà Cẩm Đào, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã yêu cầu báo cáo, kiểm điểm về vụ việc trên.

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền thuế dân đóng, ĐBQH đừng dùng đi ăn cưới!