Các cuộc thảo luận về một cuộc chiến có thể xảy ra để thống nhất với Đài Loan đã thu hút được sự quan tâm của những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc.

Tiếng nói của dư luận có thể thúc đẩy Bắc Kinh ‘thống nhất’ Đài Loan?

Hoàng Vũ | 21/11/2021, 13:11

Các cuộc thảo luận về một cuộc chiến có thể xảy ra để thống nhất với Đài Loan đã thu hút được sự quan tâm của những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc.

Liu Yadong, Giáo sư Báo chí tại Đại học Nam Đài ở Thiên Tân, hồi đầu tháng 11 đã đăng lại một bài báo đả kích việc xâm chiếm, mở rộng lãnh thổ của các nước châu Âu thời Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Bài báo kết thúc bằng cách gọi 100 năm qua là “thế kỷ đẫm máu nhất mà loài người từng chứng kiến khi có quá nhiều sinh mạng đã mất trong hai cuộc chiến tranh thế giới” và rằng, mọi người trên thế giới đang theo chủ nghĩa hòa bình hơn.

Dù không phải là người viết, nhưng giáo sư Liu đã bị các blogger theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc chỉ trích ông Liu “chạy theo các giá trị phương Tây”. Đây chỉ là một trong số nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra trên mạng internet Trung Quốc trong những tháng gần đây về việc liệu Bắc Kinh, vốn coi Đài Loan tự trị như một tỉnh ly khai, có “chính đáng” khi tiến hành chiến tranh thống nhất hai bờ eo biển hay không.

Đầu tháng trước, quân đội Trung Quốc đã điều số lượng máy bay kỷ lục vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Cũng trong tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định tại một cuộc họp chính trị ở Bắc Kinh rằng, vấn đề Đài Loan chắc chắn sẽ được giải quyết và đề cập “mong muốn” tái thống nhất với Đài Loan một cách “hòa bình”.

https-3a-2f-2fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com-2fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4-2fimages-2f8-2f2-2f4-2f5-2f37305428-3-eng-gb-2fcropped-1636447276a20211109-20taiwan-20f16-20china-20h6(1).jpg
Máy bay Trung Quốc và Đài Loan đối đầu trên không - Ảnh: AP

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 1.11 đã kêu gọi các hộ gia đình tích trữ nhu yếu phẩm hàng ngày trước mùa đông phòng trường hợp khẩn cấp và thiếu lương thực, làm dấy lên mối lo ngại trên mạng xã hội. Bộ yêu cầu giới chức địa phương ổn định nguồn cung và giá thực phẩm, gồm rau, thịt và dầu ăn để chuẩn bị cho những tháng lạnh giá sắp tới.

Thông báo làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Cụm từ khóa "Bộ Thương mại khuyến khích các hộ gia đình trữ nhu yếu phẩm thường ngày" thu hút hơn 40 triệu lượt xem và gần 5.000 bình luận trên mạng xã hội Weibo tính đến tối 2.11. Một phần dư luận Trung Quốc suy đoán lời kêu gọi liên quan đến nguy cơ xảy ra chiến tranh với Đài Loan, trong bối cảnh căng thẳng hai bờ eo biển leo thang.

Vào đúng ngày Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo đã có hơn 250.000 lượt tìm kiếm từ “Đài Loan”, tăng hơn gấp bốn lần so với ngày hôm trước, theo Baidu, công cụ tìm kiếm bằng tiếng Trung được sử dụng nhiều nhất ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, các tìm kiếm cho "chiến tranh" đã tăng 25 lần so với ngày hôm trước.

Phản ứng của cư dân mạng mạnh mẽ đến mức một số cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc phải tìm cách trấn an. Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, thuộc quản lý của Cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã lên tiếng bác bỏ những thông tin cho rằng thông báo trên có thể liên quan đến căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Ðài Loan.

Gu Su, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh, cho biết sự gia tăng cường độ của cuộc tranh luận về việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực gần đây phần lớn là kết quả của thông điệp mà chính Bắc Kinh đã đưa ra suốt thời gian qua.

“Có rất nhiều hạn chế đối với internet, vậy nên, có rất ít tiếng nói phản đối chiến tranh. Các máy bay do Bắc Kinh điều động đến Đài Loan, và những bình luận diều hâu của những người phát ngôn chính phủ Trung Quốc, cũng khiến một số người tin rằng một cuộc chiến sắp xảy ra”, ông Gu nói.

Gu lập luận rằng hầu hết tầng lớp trung lưu và tầng lớp trí thức vẫn bình tĩnh về chiến tranh. Ông cũng cho biết Bắc Kinh lưu tâm đến tác động kinh tế tiềm tàng của việc công chúng kỳ vọng vào một cuộc chiến, thông qua các lựa chọn tiêu dùng, đầu tư và sẽ quản lý điều đó nếu cần thiết.

Bộ Ngoại giao và Quốc phòng của Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Đài Bắc và Washington về vấn đề Đài Loan, cảnh báo họ “đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc trong việc "bảo vệ" chủ quyền của mình”.

Theo SCMP, các tuyên bố công khai của quân đội Trung Quốc về các cuộc tập trận gần Đài Loan đã thể hiện rõ ràng mục đích của họ là ngăn chặn các động thái hướng tới độc lập của Đài Loan, thay đổi quan điểm trước đó là “không có bên thứ ba nào được nhắm mục tiêu”.

Trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan thậm chí đã kêu gọi Bắc Kinh tấn công ngay lập tức để dập tắt hành động khiêu khích được cho là từ Đài Bắc và Washington. Tính đến tuần này, một mục thảo luận trên mạng xã hội Weibo có tiêu đề “thống nhất bằng vũ lực” đã thu về gần 2,3 tỷ lượt xem trong số khoảng 40.000 bài đăng.

Những lời kêu gọi về sự thận trọng đã trở nên hiếm hoi và nhẹ nhàng hơn. Nhà báo Gu Wanming, thuộc Tân Hoa xã, cho biết qua tài khoản WeChat cá nhân của mình rằng cuộc chiến tranh sắp xảy ra ở Đài Loan sẽ làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc, và khiến Trung Quốc suy yếu năng lực cạnh tranh với Mỹ về lâu dài.

Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết bất chấp các lời thúc giục trong cộng đồng, tiếng nói của công chúng sẽ không có nhiều trọng lượng trong việc ra quyết định của Bắc Kinh đối với Đài Loan.

“Các cuộc thảo luận về việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực vẫn tồn tại trên mạng xã hội là vì Bắc Kinh vẫn đang cho phép. Nhưng yếu tố quyết định việc có sử dụng vũ lực đối với Đài Loan không thực sự nằm ở dư luận - mà là về việc liệu Bắc Kinh có thể thành công hay không”, Yun nói.

Sun nói thêm rằng chiến lược hiện tại của Bắc Kinh dường như nhằm đạt được sự thống nhất thông qua “cưỡng bức và đe dọa”. “Việc dư luận bàn tán nhiều về việc sử dụng vũ lực - là một phần của chiến lược đó”, bà Yun cho hay.

Ren Yi, một trong những blogger có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc về các vấn đề công, lập luận rằng việc khuyến khích thảo luận công khai đang giúp Bắc Kinh thay đổi kỳ vọng của công chúng.

“Ở Trung Quốc, kỳ vọng của công chúng về một cuộc chiến đang dần thay đổi do nhiều ảnh hưởng. Ngày xưa, thống nhất bằng vũ lực là một ý tưởng không tưởng; bây giờ nó đang trở nên bình thường hóa”, Ren cho biết.

Tốt nghiệp trường chính sách công của Đại học Harvard, Ren có một lượng lớn người theo dõi, bao gồm cả các quan chức chính phủ. Bình luận về Đài Loan của ông đã được đăng tải trên WeChat, và thu hút lượt xem hơn 100.000 lần.

Ren cho rằng thảo luận công khai có thể được sử dụng để chuẩn bị cho một sự thay đổi trong chiến lược. “Một khi việc sử dụng vũ lực trở nên không thể tránh khỏi, mọi người sẽ chuẩn bị cho nó”, Ren viết.

Tuy nhiên, Maria Repnikova, một trợ lý giáo sư về truyền thông toàn cầu tại Đại học Bang Georgia, cho biết, việc khơi dậy chủ nghĩa dân tộc có thể phản tác dụng,

“Tôi nghĩ rằng những cuộc thảo luận trực tuyến như vậy có thể hữu ích cho Bắc Kinh trong việc thúc đẩy một tư tưởng dân tộc thống nhất dựa trên sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tuy vậy, chủ nghĩa dân tộc luôn là con dao hai lưỡi. Nếu không được kiềm chế, nó cũng có thể chuyển thành phê phán chế độ, nếu không đáp ứng được yêu cầu của công luận”, bà Repnikova nhận định.

Bài liên quan
Cuộc chiến 'công nghệ xa xỉ' ở Trung Quốc khi ô tô điện ngày càng thông minh và rẻ
Cuộc chiến giành sự chú ý của người tiêu dùng trên thị trường ô tô điện của Trung Quốc đang diễn ra gay gắt với những "công nghệ xa xỉ" mà người mua ô tô ở nước khác chưa từng thấy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếng nói của dư luận có thể thúc đẩy Bắc Kinh ‘thống nhất’ Đài Loan?