Trong vụ án này, bị can Trần Hùng bị cáo buộc về hành vi “Nhận hối lộ”.
Viện KSND Tối cao đã trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra bổ sung, làm rõ thêm một số tình tiết. Trước đó, Viện KSND Tối cao từng 2 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án này.
Trong vụ án xảy ra tại Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội quản lý thị trường số 17 Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường, bị can Trần Hùng (cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường – QLTT Hà Nội, cựu tổ trưởng tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường) bị cáo buộc về hành vi “Nhận hối lộ”.
Các bị can Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương (nguyên đội phó và kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 17) bị truy tố về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 30 bị can còn lại bị truy tố về các hành vi “Môi giới hối lộ”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Theo nội dung vụ án, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội kiểm tra, phát hiện hơn 27.000 quyển sách giả tại cơ sở do Cao Thị Minh Thuận quản lý. Sau đó, bị can Thuận liên lạc và nhờ ông Hùng giúp đỡ, xin xử lý nhẹ vụ việc.
Ông Hùng chấp nhận với điều kiện chủ công ty sách phải chỉ ra một số cơ sở in sách lậu. Thời gian sau, bị can Thuận thông qua Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) đặt vấn đề chi tiền đưa cho ông Hùng.
Thông qua Hải, ông Hùng đề nghị bà Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc hàng lậu, từ “sách mua về nhưng bị thu giữ” sang sách “do người khác mang đến ký gửi”. Ngoài ra, thông qua trung gian, ông Hùng đã nhận 300 triệu đồng của bà Thuận; đồng thời chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho bà Thuận theo hướng xử lý hành chính.
Quá trình điều tra, ông Trần Hùng phủ nhận đã nhận 300 triệu đồng từ phía bà Thuận; tuy nhiên, VKS cho rằng có đủ chứng cứ cáo buộc ông Hùng nhận hối lộ sau khi căn cứ lời khai của các bị can khác và dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tạm giữ nhiều vật chứng trong vụ án. Trong đó có hơn 3,2 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục; 3 hệ thống dây chuyền máy in Offset, nhiều máy gia công sách giả; hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo dục và nhà xuất bản khác; 5 ô tô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách; khoảng 20 tỉ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp...