Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), trong tuần qua trên địa bàn thành phố ghi nhận gần 1.500 ca sốt xuất huyết và phát hiện thêm 55 ổ dịch mới.

Tiếp tục gia tăng bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết, Hà Nội thêm 55 ổ dịch

Dạ Thảo | 08/12/2022, 11:00

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), trong tuần qua trên địa bàn thành phố ghi nhận gần 1.500 ca sốt xuất huyết và phát hiện thêm 55 ổ dịch mới.

Các bệnh nhân ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số quận, huyện có số lượng ca mắc cao như: Hoàng Mai (187 ca), Phú Xuyên (141 ca), Hà Đông (131 ca), Đống Đa (104 ca).

Trong tuần, Hà Nội cũng có thêm 55 ổ dịch mới tại 15 quận, huyện; trong đó nhiều nhất là quận Đống Đa với 14 ổ dịch, tiếp đến là Hoàng Mai với 10 ổ dịch, Thanh Trì có 5 ổ dịch… Số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Các chuyên gia y tế cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi khám muộn, đến cơ sở y tế trong tình trạng bệnh diễn biến nặng là do tâm lý người dân theo thói quen chủ động điều trị không đúng phương pháp, thậm chí tự ý kê đơn, truyền dịch thiếu an toàn.

Theo bác sĩ Vũ Minh Điền - Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện nay dịch sốt xuất huyết vẫn lan mạnh, bất chấp thời tiết giá lạnh. Chính vì thế để không lây lan dịch bệnh người dân cần mắc màn mỗi khi đi ngủ chống muỗi cắn, đốt nhang đuổi muỗi, bôi kem hay dầu gió, tràm để hạn chế muỗi kể cả vào ban ngày. Học sinh, sinh viên nên ngồi học trong màn để tránh muỗi đốt.

Các gia đình cần chú ý dọn dẹp những thau, chậu chứa nước, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, hạn chế nơi muỗi trú ẩn. Mọi người nên kiểm tra các vật dụng trong nhà mỗi tuần một lần, ví dụ bình hoa lâu ngày chưa thay nước, thùng, lu, mái che mưa sau nhà ít sử dụng; mảnh vỡ, chai lọ, bể, phế phẩm; lật úp gáo dừa, các dụng cụ chứa nước cho gà uống, các vật dụng trữ nước ngoài vườn.

y-te-online.jpg
Nhiều bệnh nhân trở nặng khi chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Bác sĩ Điền cũng khuyến cáo thêm nhiều bệnh nhân vào viện trở nặng vì trước đó chủ quan tưởng nhầm với bệnh COVID-19, thậm chí có những bệnh nhân khăng khăng mình không thể nhiễm sốt xuất huyết vì không thấy bị muỗi cắn và không thấy xuất huyết ngoài da. "Có nhiều người bệnh vào viện khi họ đã uống giảm đau, hạ sốt không phù hợp gây biến chứng nặng. Thậm chí là tràn dịch, tiểu cầu hạ thấp, có nguy cơ biến chứng lên não và tiêu hóa, sốc... phải dùng máy ngay lập tức mới qua cơn nguy kịch" - bác sĩ Điền chia sẻ.

Theo dự báo của Bộ Y tế, thời gian tới, tình hình sốt xuất huyết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Sốt xuất huyết gây nên bởi vi rút Dengue với 4 tuýp là: DENV1, DENV2, DENV3 và DENV4, bệnh được lây truyền cho người qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypi. Các tuýp DENV2 và DENV3 có thể làm tăng độ nặng của bệnh so với các tuýp khác, riêng tuýp DENV4 có thể gây bệnh nhẹ hơn. Do đó, người mắc sốt xuất huyết cần được điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế, để sớm phát hiện khi có diễn biến nặng; nếu không kịp phát hiện, bệnh sẽ rất dễ rơi vào sốc, thậm chí tử vong rất nhanh.

Đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 327.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó, có hơn 120 ca tử vong; dịch vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc năm nay tăng 4,9 lần. Riêng tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết mới vẫn đang gia tăng tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố; trong đó, một số quận, huyện có số bệnh nhân mắc cao, như: Hà Đông, Đống Đa, Thanh Trì, Thanh Oai… Qua khảo sát cho thấy, tuýp vi rút Dengue đang lưu hành tại Hà Nội gồm: DENV1 và DENV2, DENV4.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng cảnh báo hiện nay Hà Nội và nhiều địa phương đang trong tình trạng lưu hành nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19, vi rút Adeno, cúm A, cúm B… với triệu chứng chồng chéo. Bệnh nhân cũng có thể đồng nhiễm nhiều bệnh, bác sĩ cũng dễ chẩn đoán nhầm, dẫn tới không điều trị đúng, kịp thời.

“Nếu đau mỏi người, sốt cao cần được dùng thuốc hạ sốt, giảm đau nhưng nên tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, ibuprofen vì thuốc có thể gây chảy máu. Đặc biệt, người dân chú ý, khi mắc sốt xuất huyết không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như: Đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử; người bệnh cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa”.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, người bệnh sốt xuất huyết cần uống nhiều nước như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi để tránh biến chứng nặng, nhanh hồi phục. Với các trường hợp bệnh nhân bị thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ có các hiện tượng như: Tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết… đây là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện ngay.

Đặc biệt, hiện là thời điểm cao điểm của dịch sốt xuất huyết, bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan trong việc phòng dịch. Cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, nhất là diệt muỗi truyền bệnh và phòng muỗi đốt để ngăn chặn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết. Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Những dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết:

- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt, tay chân lạnh, ẩm, mệt lả, bứt rứt, biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

- Nôn ói nhiều, nôn ói kéo dài, nôn ra máu tươi hoặc máu đông.

- Chảy máu cam, chảy máu chân răng. Với phụ nữ có thể chảy máu dù không phải kinh nguyệt hay rong kinh.

- Đường tiêu hóa bị xuất huyết. Lúc này sẽ có những dấu hiệu để nhận biết như: Đại tiện phân đen, đi ngoài phân lẫn máu.

- Nặng hơn là xuất huyết não, xuất huyết ổ bụng. Những xuất huyết này có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

- Một số bệnh nhân còn bị tràn dịch màng phổi, màng bụng.

- Ngoài ra, vào giai đoạn này có thể bị hạ huyết áp do máu bị cô đặc khi không bù đủ dịch.

- Nặng hơn có thể suy tạng như viêm não, viêm gan nặng, viêm cơ tim.

- Ngoài những triệu chứng trên nếu người bệnh có những dấu hiệu như: Đau bụng đau không rõ nguyên nhân, đau đầu, không đi tiểu trên 6 giờ, vật vã, li bì hoặc có dấu hiệu xuất huyết thì cần đưa ngay bệnh nhân tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Bài liên quan
Tìm thấy vi khuẩn ngăn muỗi nhiễm vi rút sốt xuất huyết, Zika để không truyền bệnh sang người
Nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được vi khuẩn đường ruột của muỗi mang tên Rosenbergiella_YN46 có thể ngăn chúng bị nhiễm những loại vi rút như sốt xuất huyết và Zika, từ đó ngăn chặn mầm bệnh này truyền sang người.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp tục gia tăng bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết, Hà Nội thêm 55 ổ dịch