Triều cường khiến mực nước dâng cao, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị ngập, tràn bờ, bể bờ bao vuông tôm… gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và làm thiệt hại tài sản của người dân.
Tìm giải pháp căn cơ ứng phó với biến đổi khí hậu - Bài 1: Trăn trở vùng sạt lở
Triều cường gây nhiều thiệt hại về tài sản
Vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 hằng năm là thời điểm triều cường dâng cao làm ngập đường sá, gây tràn bờ, bể bờ bao vuông tôm, sạt lở... tại nhiều khu vực ở Cà Mau. Trong đó, địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất là các huyện ven biển như Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển…
Tại huyện Năm Căn, những ngày qua do tác động của triều cường nên một số địa phương như thị trấn Năm Căn và các xã Lâm Hải, Hàm Rồng, Hàng Vịnh, Tam Giang… chịu nhiều ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất.
Ông Phùng Trường Nguyên, Phó chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn cho biết: “Ngày 29.10 vừa qua, triều cường dâng cao gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân trên địa bàn. Nước dâng tràn qua một số tuyến đường, có nơi ngập sâu hơn 20cm. Đặc biệt, trên tuyến trục lộ Bắc - Nam nước tràn vào vuông tôm, ngập sâu trên 50cm”.
Theo ông Nguyên, qua khảo sát khu vực sản xuất nông nghiệp ở khóm Cái Nai có 7 hộ dân bị ảnh hưởng gần 1ha diện tích hoa màu. Riêng ở khóm Hàng Vịnh có một vuông tôm bị triều cường gây bể, nước tràn vào 1 ao tôm công nghiệp, ước thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.
Tại xã Lâm Hải, một số khu vực ở ấp Trường Đức, Cồn Cát, tuyến sông Cửa Lớn… cũng bị triều cường làm xảy ra nhiều vụ sạt lở, nước tràn bờ vuông gây thiệt hại cho nhiều hộ dân.
Gia đình ông Hồ Thanh Hồng, sinh sống ven tuyến kênh Năm Hộ, ấp Cồn Cát bị sạt lở bờ vuông gây nhiều thiệt hại. “Sau đợt triều cường xảy ra vào tối 28 rạng sáng 29.10, bờ vuông của gia đình tôi bị sạt lở một đoạn dài khoảng 7m, rộng 3m và sâu khoảng 1m”, ông Hồng cho biết.
Tương tự, hộ bà Châu Kim Cúc ở ấp Trường Đức cũng bị sạt lở bờ vuông gây thiệt hại 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, tại khu vực sông Cửa Lớn, khu vực của dự án ICRSL có 3 hộ bị sạt lở bờ vuông và 5 hộ bị ảnh hưởng bởi nước tràn bờ.
Ông Nguyễn Tài Nguyên, Chủ tịch UBND xã Hàm Rồng thông tin, đợt triều cường vừa qua trên địa bàn xã Hàm Rồng xảy ra nhiều vụ sạt lở, bể bờ, tràn bờ vuông và ngập các tuyến lộ GTNT, Quốc lộ 1A… gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
“Qua thống kê, địa phương có 4 hộ bị ảnh hưởng của triều cường, gây thiệt hại trên 15 triệu đồng. Có 4 khu dân cư với hơn 80 hộ dân bị ngập nước”, ông Nguyên nói.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Năm Căn, do ảnh hưởng của triều cường trong 2 ngày 29 - 30.10 vừa qua, địa phương bị thiệt hại gần 200 triệu đồng.
“Sau khi nhận được thông tin xuất hiện triều cường, Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn Năm Căn đã chỉ đạo các đội phản ứng nhanh kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân lưu thông trên các tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn. Đồng thời, vận động người dân xung quanh khu vực bị ngập cảnh giác để đảm bảo tính mạng và tài sản”, một lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Năm Căn cho biết.
Trong đợt triều cường vừa qua, nhiều địa phương ở các huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi… cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do đã có sự chuẩn bị trong việc gia cố lại bờ bao vuông tôm nên không gây nhiều thiệt hại cho bà con.
Giải pháp ứng phó với triều cường
Trao đổi với PV Một Thế Giới, ông Trần Đoàn Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn, chia sẻ: “Trước mắt, địa phương xử lý giải pháp công trình tại các nơi xung yếu đã bị bể bờ, tràn mặt, sạt lở. Vận động nhân dân gia cố bờ bao, chủ động ứng phó lâu dài với triều cường tại các khu vực xung yếu. Các công trình thủy lợi phải kết hợp được hai việc đó là nạo vét khơi thông dòng chảy và tận dụng đất đen để làm đê, làm đường GTNT sau này. Đồng thời, quy hoạch hệ thống kênh mương, đường GTNT, khu dân cư, tuyến dân cư phải phù hợp, thích ứng lâu dài. Đặc biệt, phải đảm bảo ngăn được triều cường và sạt lở”.
Ông Hùng cũng chỉ ra rằng, giải pháp căn cơ để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu hiện nay vẫn là việc ưu tiên đầu tư xây dựng đê chống tràn, hệ thống cống đập kiên cố. Phải có quy hoạch triển khai các dự án lớn kết hợp di dời, bố trí dân cư và phát triển, chỉnh trang đô thị.
“Tại các khu vực xung yếu, ở xa hạ tầng giao thông đường bộ như cửa sông lớn, cửa biển, nơi nguy cơ sạt lở cao, bìa rừng… thì cần có giải pháp di dời ổn định dân cư vào sinh sống ở các khu tái định cư”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo UBND huyện cũng trăn trở, muốn làm được những việc nêu trên thì địa phương rất cần nguồn kinh phí lớn nên rất khó triển khai đồng bộ, cùng lúc. Do vậy, để ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình có tính cấp bách, trước mắt cần cắt giảm các dự án, công trình chưa thật sự cần thiết.