Theo công ty an ninh mạng FireEye, các tin tặc Trung Quốc đã tiến hành tấn công mạng vào những công ty quốc phòng Nhật Bản, nhằm lấy thông tin về chính sách giải quyết vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên của chính quyền Tokyo.
Đối tượng thực hiện được xác định là APT10, một nhóm giánđiệp có trụ sở tại Trung Quốc đã bị FireEye theo dõi từ năm 2009 đến nay.
Tin tặc dùng kiểu lừa đảo “spear-phishing” qua thư điện tử (chiếm mật khẩu hay các thông tin nhạy cảm của đối tượng bị nhắm đến bằng cách dùng thư điện tử giả mà người gửi mạo danh là các nhân vật cấp cao). Một trong những thư điện tử giả mạo là bài diễn thuyết gửi bởi ông Koichiro Matsuura, cựu Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Trong hai tháng 9-10.2017, đã có hai cuộc tấn công được tiến hành.
Theo Bryce Boland, Giám đốc công nghệ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của FireEye: “Nội dung dụ dỗ liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng cho thấy động cơ đằng sau nỗ lực này có thể là thu thập thông tin nội bộ về định hướng chính sách giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên”.
Trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối đưa ra bình luận. Khi FireEye ra một báo cáo xác định tin tặc Trung Quốc liên tục tấn công nhằm vào các công ty công nghệ và quốc phòng của Mỹ có liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông vào tháng 3 trước, người phát ngôn Lục Khảng của Bộ này khẳng định Bắc Kinh phản đối các hình thức tấn công mạng.
Đầu tháng 4 này, Ngoại trưởng Trung-Nhật đã hội đàm và nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Dấu hiệu cải thiện quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này diễn ra trước thềm hai cuộc gặp thượng đỉnh Hàn- Triều và Mỹ-Triều sắp diễn ra.
Ông Boland cho biết: “Chúng tôi tin rằng APT10 chủ yếu được giao nhiệm vụ thu thập thông tin quan trọng về những chuyển biến trong tình hình địa chính trị khu vực, và đối tượng nhóm này nhắm đến thường là các nhóm có quá trình nghiên cứu, phát triển lâu dài”.
Ngoài công ty quốc phòng, doanh nghiệp y tế của Nhật cũng là mục tiêu bị tấn công kể từ tháng 11.2017. Theo Boland: “Với ưu tiên quốc gia là thúc đẩy đổi mới trong ngành dược phẩm, cùng với tỷ lệ ung thư gia tăng, Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh những chiến dịchgián điệp nhằm vào ngành y tế”.
Cẩm Bình (theo Straits Times)