Giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 85,3%, đạt giá trị cao nhất trong 4 năm triển khai thực hiện xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC), cao hơn 8,31% so với năm 2014 (năm 2014 đạt giá trị trung bình 76,99%).
Ngày 17.8, tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch CCHC giai đoạn2016-2020 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính 2015 (PAR INDEX 2015) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo kết quả này, về phía các bộ, cơ quan ngang bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt chỉ số CCHC năm 2015 cao nhất với giá trị 89,42, xếp vị trí thứ nhất trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ; tiếp theo là Bộ Tài chính đạt chỉ số 89,21; Bộ Giao thông vận tải đạt chỉ số 88,77.
Có 4 bộ có kết quả chỉ số CCHC năm 2015 dưới 83%, bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, với giá trị lần lượt 82,04; 82,19; 82,21 và 82,27.
Khoảng cách giữa bộ đạt chỉ số tổng hợp cao nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với bộ có kết quả chỉ số tổng hợp thấp nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông là 7,38% (trong khi đó khoảng cách này ở năm 2014 là 10,83%).
Về phía địa phương, Đà Nẵng dẫn đầu với chỉ số PAR-INDEX đạt 93,31;sau đó là Hải Phòng với 92,59; Đồng Nai 92,53. Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số là tỉnh Điện Biên (74,99).
Có 5 tỉnh, thành phố có kết quả giảm điểm so với năm 2014 là Hà Nội (giảm 2,42 điểm); Bà Rịa-Vũng Tàu (giảm 0,43 điểm); Vĩnh Phúc (giảm 0,08 điểm); Đắk Lắk (giảm 0,36 điểm); Hưng Yên (giảm 0,69 điểm).
Có 4 tỉnh có kết quả tăng cao trên 10 điểm, gồm Gia Lai (tăng 10,32 điểm); Vĩnh Long (tăng 12,10 điểm); Hà Nam (tăng 13,35 điểm) và Bắc Kạn (tăng 14,38 điểm).
Chỉ số CCHC năm 2015 cho thấy không có bộ, cơ quan ngang bộ nào có kết quả giảm điểm so với kết quả của năm 2014. Các bộ có giá trị tăng điểm cao nhất là Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Tài nguyên và Môi trường có giá trị tăng thấp nhất là 5,6.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, với kết quả này, giá trị trung bình về cải cách hành chính của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 85,5%, đạt kết quả cao nhất trong 4 năm triển khai thực hiện quyết định chỉ số hành chính, cao hơn so với năm 2014 (năm 2014 đạt 76,99%) là 8,31%.
Theo ông Thừa, ý nghĩa quan trọng của xác định chỉ số CCHC năm 2015 không chỉ để so sánh giữa bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương với nhau về mức độ CCHC của năm đánh giá mà quan trọng hơn là cho thấy mức độ CCHC của các bộ, các tỉnh so với các năm trước và cả quá trình triển khai thực hiện cải cách hành chính giai đoạn I (2011-2015).
Năm ngoái, kết quả xếp hạng như sau: Nhóm thứ nhất, đạt kết quả chỉ số trên 80%, gồm 5 bộ, cơ quan ngang bộ: Bộ Giao thông Vận tải xếp vị trí thứ nhất với kết quả 81,83 %;tiếp theo là Bộ Tài chính với kết quả 81,54%;Ngân hàng nhà nước Việt Nam với kết quả 80,48%; Bộ Ngoại giao với kết quả 80,07 %; Bộ Nội vụ với kết quả 80,06%.
Nhóm thứ hai, đạt kết quả PAR INDEX từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 14 bộ, cơ quan ngang bộ. Xếp vị trí cuối cùng là Bộ Khoa học và Công nghệ, có kết quả là 71%, giảm 6,27% so với kết quả của năm 2013.
Theo kết quả chỉ số CCHC năm 2014 của các tỉnh, thành phố,cao nhất vẫnlà Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội và thấp nhất là Bắc Kạn.
Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo này cũng chỉ ra không ít những hạn chế còntồn tại. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính chưa thực sự quyết liệt, việc quán triệt, tuyên truyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ở một số cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, pháp luật chưa được thường xuyên rà soát, khó tiếp cận, gây khó khăn cho việc tuân thủ, thi hành, thiếu tính đồng bộ giữa các lĩnh vực. Nhiều đạo luật chưa có tính ổn định, tính dự báo chưa cao nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung, ảnh hưởng đến sự ổn định của các quan hệ kinh tế - xã hội, nhất là đối với các quan hệ kinh tế.
Báo cáo cũng chỉ ra, tính khả thi của hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập: Luật khung, luật ống với nhiều quy định mang tính tuyên ngôn, nguyên tắc chung và ủy quyền lập pháp, ngược lại còn có một số văn bản quy định quá chi tiết, đi sâu vào một số lĩnh vực cụ thể cần có sự điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với sự phát triển năng động của quan hệ kinh tế - xã hội.
Những giải pháp cải cách, đổi mới trong thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa phát huy đầy đủ hiệu lực trong thực tiễn như vấn đề đánh giá tác động của chính sách, tác động của văn bản, việc thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học.
Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn đang là nguyên nhân hạn chế hiệu lực thực tế của cả hệ thống pháp luật...
Trí Lâm