Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016 cũng như trong 4 năm tại vị, Tổng thống Trump đã coi “nước Mỹ trên hết” là kim chỉ nam hoạt động. Giờ tinh thần "quốc gia trên hết" đang lan khắp châu Âu.
Như tin đã đưa , khoảng 70.000 người đã tập trung tại cuộc biểu tình theo tinh thần "Cộng hòa Czech trên hết" tại Quảng trường trung tâm Wenceslas cuối tuần qua. Cuộc biểu tình nhằm phản đối lạm phát do khủng hoảng năng lượng và tiếp nhận người di cư.
Những người biểu tình kêu gọi từ chức chính phủ trung hữu của Thủ tướng Petr Fiala, vốn chỉ mới nhậm chức từ tháng 12. Một biểu ngữ nổi bật ghi: "Điều tốt nhất cho người Ukraine và chỉ có hai chiếc áo len cho chúng tôi". Biểu ngữ thể hiện cáo buộc chính phủ hỗ trợ Ukraine bằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, nhưng không giúp đỡ người CH Czech, những người đang phải gánh chịu hậu quả là chi phí sưởi ấm tăng cao.
Tại Đức, đảng đối lập Adf muốn thực hiện một chiến dịch tương tự vào tuần tới. Theo đó, để lôi kéo sự ủng hộ của người dân thì họ chủ trương bổ sung thêm khẩu hiệu: "Nước Đức là trên hết!". Trang Focus cho rằng những khẩu hiệu này rất dễ liên tưởng đến khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016 cũng như trong 4 năm tại vị, Tổng thống Trump đã coi “nước Mỹ trên hết” là kim chỉ nam hoạt động. Với những chính sách mang đậm tính chất bảo hộ trong nước và không quan tâm đến đồng minh, Mỹ thời Trump đã đào sâu khoảng cách với các nước thuộc khối NATO.
Hồi 2018, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết thư nhắc nhở 8 thành viên châu Âu trong NATO (Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Đức) tuân thủ các cam kết về chi tiêu cho quốc phòng. Nhà lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh NATO vì không thực hiện cam kết đưa ra năm 2014 là dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, đồng thời cáo buộc những nước này đẩy cho Mỹ trách nhiệm gánh nặng không công bằng nghĩa vụ bảo vệ châu Âu.
Thậm chí, Tổng thống Trump khi đó cũng cảnh báo Mỹ sẽ “xử lý” những quốc gia không làm tròn nghĩa vụ. Nhà báo Martin Kettle, cây bút chuyên phân tích mảng chính trị của tờ Guardian nhận định: những lời lẽ cứng rắn của cho thấy ông Trump thực sự bất bình, thậm chí không muốn duy trì liên minh NATO và ít quan tâm đến quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Tình thế căng thẳng đến mức Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg khi ấy đã phải lên tiếng cảnh báo mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ đang ở mức căng thẳng và không có gì đảm bảo liên minh xuyên Đại Tây Dương này sẽ tồn tại mãi mãi.
Thế nhưng sau khi Joe Biden lên thay thì chính sách của Mỹ đảo lộn. Ban đầu nỗ lực hàn gắn quan hệ 2 bờ Đại Tây Dương bị châu Âu dò xét vì lo ngại chính sách của Mỹ thay đổi, bất định sau khi chính quyền mỗi đời tổng thống thay đổi. Tuy nhiên, sau nhiều đe dọa không nhận được phản ứng như kỳ vọng từ Mỹ thì Nga đã tấn công Ukraine ngày 24.2.
Diễn biến đó đã đẩy Mỹ và châu Âu gắn chặt với nhau với Ukraine là xúc tác. Tuy nhiên, vào lúc này lại có sự thay đổi từ dư luận một số nước châu Âu. Tinh thần quốc gia trên hết đã xuất hiện không chỉ ở phía người dân CH Czech hay Đức. Điều này còn thể hiện ở ngay chính quyền Ba Lan, Hungary hay Bulgaria.
Chính quyền Hungary bất chấp áp lực từ các đồng minh trong EU và NATO vẫn kiên quyết mua khí đốt từ Nga. Chính quyền mới lên tại Bulgaria cũng coi việc đàm phán mua lại khí đốt Nga là ưu tiên hàng đầu.
Chính quyền Ba Lan ở một trạng thái khác nhưng tinh thần “Ba Lan trên hết” còn mạnh mẽ hơn khi công khai đòi Đức phải bồi thường chiến tranh từ Thế chiến thứ 2 lên đến 1.300 tỉ USD.
Riêng tại Anh thì không cần chờ Nga tấn công Ukraine đã thể hiện tinh thần bảo hộ quốc gia bằng việc Brexit. Chính quyền của đảng Bảo thủ dù là thủ tướng nào cũng sẽ coi việc thoát khỏi châu Âu và những gánh nặng phải chia sẻ trong khối là hành trình không thể đảo ngược.
Vào mùa đông tới, khi tình hình kinh tế khó khăn, khi nguồn năng lượng bị hạn chế thì tinh thần “quốc gia trên hết”, phương châm của Donald Trump sẽ dễ lên ngôi hơn tại châu Âu.