Các đơn vị như Ngân hàng HSBC, WB, IMF… lạc quan về kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2022, đồng thời khuyến nghị cần chú ý về giá năng lượng, lạm phát…

Tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam

Lam Thanh | 09/07/2022, 16:17

Các đơn vị như Ngân hàng HSBC, WB, IMF… lạc quan về kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2022, đồng thời khuyến nghị cần chú ý về giá năng lượng, lạm phát…

Trong bản tin Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6.2022, WB nhận định nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc.

Theo WB, Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ nhu cầu tiêu dùng với sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 10,4% so cùng kỳ năm 2021. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vọt từ 51,7 điểm trong tháng 4 lên 54,7 điểm trong tháng 5, mức cao nhất trong 12 tháng qua, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của ngành này. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng này tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2021.

WB cho rằng Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước. Các chuyên gia cho rằng cần có những biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất về kinh tế vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng HSBC công bố, định chế tài chính này thông báo tăng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 6,6% lên 6,9%, có khả năng đứng đầu toàn khu vực ASEAN.

Khối nghiên cứu của HSBC đánh giá mức tăng trưởng 7,7% của Việt Nam trong quý 2 so với cùng kỳ 2021 là ngoạn mục, vượt xa con số dự báo 5,9% của các tổ chức nghiên cứu đưa ra trước đó. Ngoài ngành dịch vụ hồi phục ấn tượng sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, ngành sản xuất cũng giữ đà tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu đạt đỉnh lịch sử.

kt.jpg
Nhiều tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam

Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ quý 2 cũng tăng mạnh 17% so với cùng kỳ, dấu hiệu cho thấy sức mua đã phục hồi trở lại. HSBC đánh giá một nguyên nhân quan trọng là tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, trong khi số lượng việc làm đã tăng về mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của HSBC lưu ý ảnh hưởng từ giá năng lượng lên nền kinh tế Việt Nam ngày càng rõ hơn. Giá xăng tăng có thể khiến túi tiền của người dân vơi đi, giảm tốc độ phục hồi sức mua. Giá xăng dầu cao vẫn là nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng.

Ngoài ra, chỉ số giá lương thực bao gồm nhiều mặt hàng thịt, trứng và rau củ đều tăng. Với việc giá dầu thế giới tiếp tục tăng, HSBC dự báo áp lực lạm phát trong nước sẽ còn mạnh lên. Lạm phát trong nước có thể vượt mức 4% kể từ quý 4 năm nay đến quý 2/2023.

Còn theo đánh giá ban giám đốc điều hành IMF, nền kinh tế Việt Nam hiện đang phục hồi và các chỉ số thống kê tần suất cao đều cho thấy đà tăng trưởng mạnh trong năm 2022, với doanh thu bán lẻ, sản lượng công nghiệp và số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường đều đang tăng lên. IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 6% và tăng lên 7,2% trong năm 2023.

"Tăng trưởng được dự báo đạt mức 6% trong năm 2022 khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được triển khai thực hiện", IMF nêu.

Tuy nhiên, tổ chức này cũng đánh giá sự phục hồi trên thị trường lao động vẫn còn chậm chạp với tỷ lệ thiếu việc làm còn ở mức cao. Mặc dù lạm phát đã tăng trong thời gian gần đây do giá hàng hóa thô tăng và những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, nhưng lạm phát vẫn còn ở mức thấp so với trần lạm phát của ngân hàng nhà nước do nền kinh tế còn hoạt động cầm chừng, và giá cả lương thực, thực phẩm và các mặt hàng do nhà nước quản lý giá tương đối ổn định.

Ngoài ra, chính sách tài khóa được kỳ vọng sẽ tiếp tục định hướng hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt thông qua triển khai chương trình phục hồi - phát triển kinh tế-xã hội. Chính sách tiền tệ được dự báo vẫn tiếp tục thận trọng trước rủi ro lạm phát. Các rủi ro gắn với nợ xấu, bất động sản, và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên được theo dõi chặt chẽ, và các khuôn khổ an toàn vĩ mô nên được tăng cường.

Trong khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định tăng trưởng năm 2022 của Indonesia đạt 5,0%; Philippines đạt 6,0%; Thái Lan đạt 3,0%; Singapore đạt 4,3%; Malaysia đạt 6,0% và Việt Nam đạt cao nhất ở mức 6,5%.

Còn theo dự báo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt 6,5%, cùng với Philippines dẫn đầu tăng trưởng khu vực ASEAN.

Dựa trên kết quả tăng trưởng mạnh trong quý 2/2022 và dữ liệu lịch sử, ngày 30.6, Ngân hàng UOB (Singapore) công bố nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7%, từ mức 6,5% trước đó.

Các tổ chức quốc tế cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 phục hồi nhờ tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 cao, sự chuyển đổi sang cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt hơn, mở rộng thương mại và chương trình phục hồi - phát triển kinh tế của Chính phủ. Các biện pháp tiền tệ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế, thông qua việc các tổ chức tín dụng dự kiến giảm 0,5% - 1,0% lãi suất cho vay trong năm nay và năm sau, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam