Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam cho rằng “Thành phố sáng tạo” là một tầm nhìn, một chiến lược, vì vậy đây phải là một trong những nền tảng để Hà Nội xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển khác. Việc đầu tư vào các nguồn nhân lực và vật lực là rất quan trọng, dù đầu tư cho văn hóa luôn tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian.

Tọa đàm cấp cao ‘Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo’

Bùi Trí Lâm | 02/10/2020, 13:19

Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam cho rằng “Thành phố sáng tạo” là một tầm nhìn, một chiến lược, vì vậy đây phải là một trong những nền tảng để Hà Nội xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển khác. Việc đầu tư vào các nguồn nhân lực và vật lực là rất quan trọng, dù đầu tư cho văn hóa luôn tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian.

Sáng 2.10, tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo”.

Tạo mọi điều kiện nâng tầm cho sáng tạo

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã điểm lại lịch sử 1010 năm Thăng Long-Hà Nội và những nét nổi bật của Thủ đô Hà Nội, "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người", "Thủ đô anh hùng", "Thành phố vì hòa bình".

Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng hồ sơ "Hà Nội - Thành phố sáng tạo" đề cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đến tháng 10.2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là Thành phố hòa bình của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, danh hiệu Thành phố Thiết kế sáng tạo mới của Hà Nội cũng như những định hướng mới cho chiến lược phát triển Thủ đô nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng cũng như các đối tác quốc tế, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, đại sứ quán và các tập đoàn đa quốc gia vốn có sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho đổi mới cũng như chiến lược phát triển hướng tới chất lượng sống cao của đô thị.

Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành Thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Bí thư Thành ủy cho biết, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.

Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Nam chia sẻ, để đạt được các mục tiêu đề ra, điều quan trọng đầu tiên là nhận thức đầy đủ của các cấp, các ngành và người dân Hà Nội về ý nghĩa của danh hiệu, tạo đồng thuận trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể.

Theo ông Trung, “Thành phố sáng tạo” là một tầm nhìn, một chiến lược, vì vậy đây phải là một trong những nền tảng để Hà Nội xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển khác. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các nguồn nhân lực và vật lực phù hợp cho “Thành phố sáng tạo” là rất quan trọng, mặc dù đầu tư cho văn hóa luôn tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian”, ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.

Ông Lê Hoài Trung mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều thỏa thuận, hợp tác mới, góp phần phát triển TP. Hà Nội như mong muốn của các thế hệ người Việt Nam, những người luôn gắn bó và dành tình cảm đặc biệt với Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời, ông Trung cho rằng danh hiệu “Thành phố sáng tạo” chắc chắn sẽ tạo một khuôn khổ thích hợp để Hà Nội tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của các danh hiệu khác mà UNESCO đã ghi danh tại Hà Nội, vừa vì lợi ích của đất nước, vừa thực hiện các nghĩa vụ theo như cam kết của Hà Nội và Việt Nam với UNESCO. Thành công của Hà Nội sẽ khẳng định vị trí và tầm vóc Thủ đô sáng tạo của nước Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Lấy con người làm trung tâm

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra phương thức để Hà Nội – Thành phố Sáng tạo do UNESCO công nhận có thể trở thành nền tảng hợp tác, hỗ trợ các mục tiêu Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội của thành phố trong thập kỷ tới với tầm nhìn 2045.

Đây cũng chính là nền tảng cốt lõi của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO; nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác phục vụ phát triển bền vững, bao gồm quan hệ đối tác giữa các Thành phố Sáng tạo, và trong nội tại của Thành phố đó.

“Cuộc họp hôm nay chính là một minh chứng rõ ràng về phương thức mà Việt Nam có thể vận dụng hiệu quả danh hiệu UNESCO trao tặng, nhấn mạnh ý nghĩa thực sự phía sau danh hiệu”, ông Michael Croft nói.

Theo ông Michael Croft, danh hiệu Thành phố vì Hòa bình năm 1999 được trao tặng cho Hà Nội nhờ bề dày lịch sử và truyền thống hòa nhập và vị tha. Hà Nội Thành phố sáng tạo là danh hiệu thế kỷ 21, với tầm nhìn hướng về tương lai, phản ánh khát vọng quốc gia, trở thành một thành viên sáng tạo, tích cực và có trách nhiệm trong khu vực và thế giới.

Trong đơn đệ trình UNESCO, rhành phố nhấn mạnh khát vọng vị thế thành phố sáng tạo về thiết kế, đồng thời khẳng định di sản văn hóa trù phú của Hà Nội là sự kế thừa của gia tài sáng tạo và đổi mới, là mảnh đất màu mỡ để phục hưng văn hóa trong thời đại mới với sự dẫn dắt của thanh niên - những công dân tài năng và năng động của Hà Nội.

Theo ông Michael Croft, mặc dù danh hiệu Thành phố Sáng tạo sẽ thêm phần nâng cao vị thế cho danh hiệu Thành phố vì Hòa bình, nhưng đóng vai trò là một phương tiện giúp Hà Nội phát triển thành Kinh đô Sáng tạo, trao quyền cho người dân và xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới là giá trị đích thực của danh hiệu này. Nói cách khác là hướng về phương pháp phát triển bền vững hơn và lấy con người làm trung tâm.

Khi tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội có thể mở rộng hợp tác và trao đổi với các Thành phố Thiết kế khác như Seoul, Singapore, Kobe, Thượng Hải, Bandung trong khu vực; và các thành phố như Helsinki, Montreal, Berlin và Turino trên toàn cầu.

Tuy nhiên, với tất cả những tiềm năng có được từ việc gia nhập mạng lưới này, thì sự hợp lực ở cấp địa phương mới là điều thứ yếu nhất với Hà Nội. Đó là lý do Kế hoạch hành động do thành phố đệ trình - phần chủ chốt của hồ sơ, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa cộng đồng, chính phủ, các trường đại học, khu vực tư nhân và bạn bè và đối tác quốc tế để hỗ trợ việc hiện thực hóa chiến lược phát triển của Hà Nội, nhằm thúc đẩy các sáng kiến và kết nối chúng để có được cách tiếp cận tập trung và chặt chẽ. Đây chính là điều cốt lõi cho cuộc thảo luận của chúng ta ngày hôm nay.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Mạng lưới này được thiết lập từ 246 thành phố làm việc cùng nhau, hướng tới mục tiêu chung: Đưa sự sáng tạo và công nghiệp văn hóa trở thành trọng tâm của kế hoạch phát triển trong nước và kế hoạch hợp tác tích cực cấp quốc tế.

Tháng 10.2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu với danh hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Thông qua việc tham gia mạng lưới, các thành phố cam kết chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của mình và phát triển quan hệ đối tác công tư cũng như các tổ chức xã hội. Mạng lưới các thành phố sáng tạo là đối tác đặc quyền của UNESCO, không chỉ là nền tảng phản ánh vai trò đòn bẩy của sự sáng tạo trong phát triển bền vững mà còn là nền tảng của hành động và đổi mới, đặc biệt trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tọa đàm cấp cao ‘Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo’