Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, tối 23.4.2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu quan trọng về chủ đề "Các lợi ích kinh tế của Hành động Khí hậu" tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 22 - 23.4.2021.

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu

TTXVN | 24/04/2021, 05:00

Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, tối 23.4.2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu quan trọng về chủ đề "Các lợi ích kinh tế của Hành động Khí hậu" tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 22 - 23.4.2021.

chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-23421.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

"Thưa Ngài Tổng thống Joe Biden,

Thưa các vị Tổng thống, Thủ tướng,

Thưa Quý vị,

Tôi cảm ơn Ngài Tổng thống Biden đã mời Lãnh đạo các quốc gia và tôi tham gia Hội nghị hết sức quan trọng này. Tôi đánh giá cao Hoa Kỳ quay trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và tin rằng với vai trò lãnh đạo, cam kết mạnh mẽ mà Ngài Tổng thống Biden đã nêu tại Phiên khai mạc, cùng với sự hợp tác của tất cả chúng ta, các mục tiêu của Thỏa thuận COP-21 Paris sẽ sớm trở thành hiện thực.

Thưa Ngài Tổng thống và Quý vị,

Hiện nay biến đổi khí hậu là thách thức rất lớn đối với sự tồn vong của nhiều quốc gia và toàn cầu. Tại Việt Nam, riêng trong 2020, thời tiết cực đoan đã cướp đi hàng trăm sinh mạng và xóa sạch thành quả hàng chục năm về giảm nghèo của nhiều vùng. Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa, nông sản lớn, nơi sinh sống của 20 triệu người, đang bị nước biển dâng gây hậu quả nặng nề, nhất là vào cuối thế kỷ này.

Thưa Ngài Tổng thống và Quý vị,

Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh phát thải bằng không là xu thế tất yếu và là mệnh lệnh cấp bách để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C. Điều này là thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội, lợi ích to lớn về tạo việc làm mới,bảo đảm an ninh năng lượng và nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế. Việt Nam quyết tâm thực hiện theo xu thế này. Đồng thời, chúng ta cần phải có lộ trình phù hợp cho các nước đang phát triển còn nhiều khó khăn. Tôi xin nhấn mạnh một số nội dung:

Thứ nhất, quá trình chuyển đổi phải công bằng và bao trùm, bình đẳng về cơ hội và hưởng lợi của người dân, coi người dân là trung tâm, không để ai “bị bỏ lại phía sau” và được người dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học ủng hộ, chung tay hành động.

Thứ hai, cùng với đi đầu trong các cam kết mạnh về giảm phát thải, các nước phát triển cần tăng cường hỗ trợ thiết thực cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, về tài chính, phát triển công nghệ mới, năng lượng xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả, chất lượng cao gắn với tạo nhiều việc làm. Chúng tôi đánh giá cao và mong nhận được hỗ trợ từ Kế hoạch tài chính khí hậu quốc tế của Hoa Kỳ và nhiều cơ chế tài chính quốc tế khác, kể cả từ các công ty, tập đoàn quốc tế.

Thứ ba, việc thực hiện các mục tiêu khí hậu cần phù hợp với điều kiện của từng nước, kể cả việc phải thay đổi nếp sống, cách sản xuất, làm việc và cần được lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch phát triển quốc gia; mỗi nước trước hết phải tự nỗ lực và sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ quốc tế. Đồng thời cần có cơ chế quốc gia về giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, nâng cao khả năng phục hồi.

Việt Nam là một nước đang phát triển chỉ mới bắt đầu công nghiệp hóa trong ba thập kỷ qua, nhưng Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung toàn cầu. Chúng tôi đã sớm gửi Liên hợp quốc Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) và đưa NDC vào Luật để tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đến 2030, bằng nguồn lực trong nước, chúng tôi cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương.

Việt Nam sẽ tiếp tục giảm rất mạnh điện than; tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030 và đạt 30% đến 2045; mức độ phát thải trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí Mê-tan trong sản xuất nông nghiệp giảm đến 10%. Từ đầu tháng 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỉ cây xanh đến 2025, điều này sẽ hấp thụ 2-3% lượng phát thải vào 2030.

Thưa Ngài Tổng thống và Quý vị,

Tôi lạc quan tin rằng những “thách thức” của biến đổi khí hậu sẽ là “động lực” cho đoàn kết và thay đổi tích cực hướng tới COP-26 tại Anh, góp phần tạo lập tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.

Xin trân trọng cảm ơn".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu