Với tốc độ cải tạo quá chậm, để xây mới lại 474 chung cư cũ, TP.HCM phải mất rất nhiều thời gian, gần như 100 năm. Do đó, để đẩy nhanh kế hoạch xây mới, TP.HCM thống nhất trao quyền cho UBND các quận, huyện thực hiện thay vì phải chờ sự phê duyệt từ Sở Xây dựng như trước.

Tốc độ cải tạo quá chậm, TP.HCM giao quyền cho quận, huyện xây mới chung cư cũ

Phan Diệu | 24/08/2016, 11:12

Với tốc độ cải tạo quá chậm, để xây mới lại 474 chung cư cũ, TP.HCM phải mất rất nhiều thời gian, gần như 100 năm. Do đó, để đẩy nhanh kế hoạch xây mới, TP.HCM thống nhất trao quyền cho UBND các quận, huyện thực hiện thay vì phải chờ sự phê duyệt từ Sở Xây dựng như trước.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây mới thay thế các chung cư cũ, hư hỏng nặng trên địa bàn thành phố, mới đây Sở Xây dựng TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM được phân công, ủy quyền cho UBND các quận, huyện trong việc thực hiện cải tạo xây mới thay thế chung cư cũ.

Theo kiến nghị, UBND quận huyện được phê duyệt dự toán kinh phí kiểm định, sửa chữa; phê duyệt công bố kế hoạch cải tạo xây mới thay thế chung cư cũ trên địa bàn.

Đối với việc chọn chủ đầu tư, trong trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư lựa chọn chủ đầu tư thì người chủ trì hội nghị nhà chung cư sẽ lập báo cáo kết quả phương án lựa chọn chủ đầu tư và bồi thường, hỗ trợ tái định cư lên UBND quận, huyện để dược phê duyệt và chấp thuận.

Trường hợp hết thời hạn 3 tháng đối với chung cư nguy hiểm và 12 tháng đối với chung cư hư hỏng nặng mà chủ sở hữu chưa chọn được nhà đầu tư thì UBND quận, huyện sẽ chủ động chọn chủ đầu tư và lập phương án tái định cư tại chỗ.

Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan hướng dẫn UBND quận, huyện về chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo triển khai thực hiện các nội dung đã được phân công.

Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy đến nay trên địa bàn thành phố có 474 chung cư cũ, với tổng số khoảng 50.000 căn hộ được xây từ trước 1975, phân bổ ở 15 quận. Hiện quận 5 là quận có nhiều chung cư cũ nhất, với 203 chung cư.

Đáng chú ý, hầu hết các chung cư đều bị xuống cấp nặng, trong đó có nhiều chung cư nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư này được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D - cấp độ nguy hiểm cao nhất.

Theo kế hoạch mà Sở Xây dựng đề ra, đến năm 2020, TP.HCM sẽ hoàn thành tháo gỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ kể trên. Tuy nhiên, trong 10 năm qua TP.HCM chỉ mới tháo gỡ để xây mới 32 chung cư cũ hư hỏng, với khoảng 4.000 hộ gia đình.

Như vậy, tốc độ cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cuộc sống của người dân cư ngụ trong chung cư cũcũng như chương trình chỉnh trang đô thị.

Đặc biệt, có những chung cư hư hỏng nặng và nguy hiểm nhưng vẫn chưa được tháo gỡ. Đơn cử như chung cư Cô Giang (quận 1), chung cư 11 Võ Văn Tần (quận 3), 6Bis Nguyễn Tất Thành (quận 4), chung cư 813 Nguyễn Trãi (quận 5), 43 Bình Tây và 119B Tân Hòa Đông (quận 6), nhà tập thể 765 Bến Bình Đông (quận 8), chung cư 350 Hoàng Văn Thụ và 47 Long Hưng, 137 Lý Thường Kiệt, 149 – 151 Lý Thường Kiệt, 40/1 Tân Phước, 170 – 171 Tân Châu (quận Tân Bình), chung cư 01 Đào Tấn (quận 5), chung cư Ngô Gia Tự (quận 10), chung cư Ẩn Giang (quận 10)…

Trên thực tế, với tốc độ này, để xây mới lại 474 chung cư cũ phải mất rất nhiều thời gian, gần như 100 năm. Do đó, để đẩy nhanh kế hoạch xây mới, TP.HCM thống nhất trao quyền cho các UBND các quận, huyện thực hiện thay vì phải chờ sự phê duyệt từ Sở Xây dựng như trước.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tốc độ cải tạo quá chậm, TP.HCM giao quyền cho quận, huyện xây mới chung cư cũ