Nhiều khán giả sau khi xem bộ phim 'Cầu Vồng Không Sắc' đã cho rằng phản ứng của nhân vật người mẹ (do nữ diễn viên gạo cội Kim Khánh thủ vai) khi biết con mình đồng tính là 'hơi quá' và không phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Yến Ly - một thành viên của PFLAG (Hội người thân của người LGBT), lại không nghĩ như vậy. Bởi vì trước đây, chính bà cũng đã từng đối xử với đứa con trai đồng tính của mình giống như thế.

'Tôi cũng từng hành hạ con mình như chị Kim Khánh trong phim'

Một Thế Giới | 27/03/2015, 16:22

Nhiều khán giả sau khi xem bộ phim 'Cầu Vồng Không Sắc' đã cho rằng phản ứng của nhân vật người mẹ (do nữ diễn viên gạo cội Kim Khánh thủ vai) khi biết con mình đồng tính là 'hơi quá' và không phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Yến Ly - một thành viên của PFLAG (Hội người thân của người LGBT), lại không nghĩ như vậy. Bởi vì trước đây, chính bà cũng đã từng đối xử với đứa con trai đồng tính của mình giống như thế.

Ngày 20.03, bộ phim Cầu Vồng Không Sắc do Nguyễn Quang Tuyến đạo diễn đã chính thức được khởi chiếu trên toàn quốc với sự tham gia của hai nam diễn viên Vũ Tuấn Việt và Thanh Tú. Đây là một trong những bộ phim Việt hiếm hoi có tuyến nhân vật chính là người đồng tính. Thế nhưng bên cạnh chủ đề tình yêu, bộ phim Cầu Vồng Không Sắc lần này còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình trong đời sống của người đồng tính, đặc biệt là việc công khai với cha mẹ.
Ba Dinh Thi Yen Ly, PFLAG Viet Nam
 Thanh Tú (trái) và Vũ Tuấn Việt trong phim
Trong phim, tình yêu giữa Hoàng và Hùng đã biến thành một tấn bi kịch không có lối thoát chỉ vì nhân vật người mẹ (do Kim Khánh đóng). Bà không những không thừa nhận xu hướng tính dục tự nhiên của con mình mà còn đẩy đôi tình nhân trẻ này đến đường cùng. Về sau, bà có hối hận nhưng cũng đã quá muộn.
Sau khi xem phim, nhiều khán giả nhận xét phản ứng của nhân vật người mẹ có phần "bi kịch hóa" và không thực tế. Họ cho rằng xã hội Việt Nam không đến nỗi tiêu cực như thế về vấn đề đồng tính. Mặc dù vậy, trong cộng đồng LGBT Việt, thì đó lại là những trường hợp khá quen thuộc và thường xuyên xảy ra.
Ba Dinh Thi Yen Ly, PFLAG Viet Nam
 Kim Khánh vào vai người mẹ thương con nhưng độc đoán (phải)
Chia sẻ về vấn đề này, phóng viên Một Thế Giới đã có một buổi gặp thân mật với bà Đinh Thị Yến Ly, đại diện của PLAG (Hội cha mẹ - bạn bè và người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới).
Cảm nhận của chị như thế nào sau khi xem bộ phim "Cầu Vồng Không Sắc"?
Ngày hôm qua, tôi đã có dịp cùng với con trai và các thành viên khác trong hội PFLAG đến rạp thưởng thức bộ phim Cầu Vồng Không Sắc. Theo cảm nhận cá nhân của tôi thì đây là một bộ phim rất hay và đầy tính nhân văn. Phải nói là hiếm có một bộ phim Việt Nam nào trên thị trường hiện nay đề cập đến người đồng tính một cách trực diện và không lấy họ ra làm trò đùa để câu khách như Cầu Vồng Không Sắc.
Ba Dinh Thi Yen Ly, PFLAG Viet Nam
 Bà Đinh Thị Yến Ly
Chị có nhận xét gì về nhân vật người mẹ do Kim Khánh thủ vai hay không?
Với tư cách là phụ huynh của một người đồng tính nam, tôi hoàn toàn đồng cảm với vai diễn của chị Kim Khánh trong phim. Chị đã lột tả được phản ứng của rất nhiều bậc cha mẹ khi phát hiện ra đứa con yêu dấu của mình là người đồng tính. Tuy nhiên, thông thường khi biết được điều đó, những người mẹ như tôi phải mất một khoảng thời gian tĩnh lặng khá lâu trước sự thật đó rồi mới bắt đầu có những phản ứng gay gắt với con. 
Nhìn thấy phản ứng của người mẹ trong phim, tôi lại chợt nhớ về câu chuyện của chính tôi với con trai và đã không ngăn được dòng nước mắt.
Ba Dinh Thi Yen Ly, PFLAG Viet Nam
 Cùng với cậu con trai - một người đồng tính nam công khai
Chị nói rằng bộ phim đã làm chị nhớ lại câu chuyện giữa mình và con trai. Vậy sự tương đồng đó là gì?
Ngày đó, khi phát hiện con trai đang quen với một cậu bé ở thành phố lân cận, tôi đã rất bàng hoàng. Sau khi tìm hiểu, tôi quyết định can thiệp vào chuyện tình cảm của hai đứa với hy vọng đưa con trai thoát khỏi "trào lưu" và "bệnh đồng tính". Vào thời điểm ấy, con trai tôi thường xuyên sử dụng điện thoại nhà để liên lạc với cậu bé kia. Dựa vào thông tin trên hóa đơn, tôi quyết định gọi điện thoại cho gia đình cậu bé đó và thông báo chuyện "động trời" này với mẹ cậu ấy. Sau khi trao đổi, tôi cảm nhận được sự hốt hoảng tột cùng của bà ấy. Chúng tôi quyết định sẽ cắt hết các phương tiện liên lạc của chúng. 
Nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được phản ứng của con mình khi biết được tôi chính là người đã phá vỡ chuyện tình cảm của nó. Con tôi thật sự rơi vào trạng thái hoảng loạn tâm lý, cháu đã cầm dao đi đi lại lại trong nhà, miệng thì lẩm bẩm: "Tôi hận các người. Tại sao các người lại phá hoại chuyện tình cảm của tôi". Lúc đó tôi đã rất lo sợ và đau đớn, tôi chỉ lo cháu làm chuyện dại dột. Tôi ôm mặt bật khóc, khi đó dường như cháu mới bừng tỉnh buông dao, quỳ xuống ôm lấy tôi khóc nức nở và luôn miệng xin lỗi tôi. 
Sau đó, tôi đưa con đi "chữa bệnh" và thử mọi cách để biến nó trở lại "bình thường". Thế nhưng tôi đã thất bại hoàn toàn. Tôi mất 5 năm đầy đau khổ mới có thể thừa nhận hoàn toàn đứa con trai. 
Bây giờ xem lại "Cầu Vồng Không Sắc" tôi mới hiểu cảm xúc đau đớn của nhân vật Hoàng trong phim là có thật. Nếu ngày xưa con tôi quen cậu bé kia lâu hơn và có tình cảm sâu đậm hơn thì không biết mọi chuyện sẽ tồi tệ đến mức nào. 
Ba Dinh Thi Yen Ly, PFLAG Viet Nam
 Bà Ly tại Lãnh sự quán Canada
Tuy mang thông điệp nhân văn nhưng bộ phim Cầu Vồng Không Sắc cũng đã vấp phải rất nhiều nhận xét tiêu cực kể từ khi công chiếu. Chị nghĩ sao về điều này?
Tôi có theo dõi và được biết là bộ phim cũng đã có những nhận xét trái chiều. Nhưng theo tôi đó là chuyện bình thường đối với một tác phẩm nghệ thuật. Tôi cũng thừa nhận phim có một vài "hạt sạn" như diễn biến tâm lý của các nhân vật khá nhanh, và không chỉ có Cầu Vồng Không Sắc mà nhiều phim Việt thường có xu hướng "chuộng" bối cảnh là các gia đình khá giả, trong khi thực tế có nhiều bạn đồng tính lại sống trong gia đình bình thường. Việc lấy bối cảnh như vậy sẽ khiến một bộ phận người đồng tính cảm thấy bộ phim chưa thật sự gần gũi với họ. 
Tuy nhiên, không vì những điều đó mà chúng ta có thể buông lời phán xét không có tính xây dựng như một số bình luận trên các trang mạng xã hội vừa qua. Tôi rất trân trọng người đạo diễn khi anh vừa là người lên kịch bản vừa trực tiếp dàn dựng bộ phim rất nhân văn và đầy ý nghĩa như vậy. Không phải ai cũng muốn góp tiếng nói cho một cộng đồng thiểu số trong xã hội như anh. Là một người thưởng thức nghệ thuật thì theo tôi điều đầu tiên là phải biết trân trọng tâm huyết của người nghệ sĩ và nên góp ý mang tính đóng góp, thay vì tiêu cực.
Ba Dinh Thi Yen Ly, PFLAG Viet Nam
 Cùng với các thành viên khác của PFLAG đến từ mọi miền đất nước
Vậy chị có lời nào muốn gửi đến đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến cùng đoàn làm phim không ạ?
Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến anh Nguyễn Quang Tuyến, tác giả của Cầu Vồng Không Sắc. Nhờ có bộ phim của anh mà cộng đồng người đồng tính như con trai tôi mới tìm thấy được chỗ dựa tinh thần trong xã hội vẫn còn đầy rẫy sự kỳ thị như tại Việt Nam. Tôi tin rằng những gì Cầu Vồng Không Sắc đem lại cho người đồng tính, gia đình của họ và xã hội chúng ta là không nhỏ. Bản thân tôi cũng đã  nhận được nguồn động viên từ bộ phim để có thể tiếp tục đồng hành cùng con mình và cộng đồng LGBT Việt Nam trên con đường lan tỏa yêu thương sắp tới. Tôi rất mong sẽ tiếp tục được đón nhận những tác phẩm kế tiếp của anh.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các diễn viên và đoàn làm phim đã góp phần tạo nên một bộ phim đầy tình cảm và vô cùng ý nghĩa, đặc biệt là chị Kim Khánh. Xin chúc các anh chị sức khỏe và luôn thành công trong cuộc sống. 
Xin chân thành cảm ơn chị!
Bài và ảnh: Anh Khang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Tôi cũng từng hành hạ con mình như chị Kim Khánh trong phim'