Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, “lừa dối khách hàng” là việc tại thời điểm giao dịch bên bán khi thực hiện cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa dịch vụ để hưởng lợi một phần giá trị tài sản bất hợp pháp. Người mua không được hưởng đúng theo giá trị, khối lượng, chủng loại hàng hóa thật theo như thỏa thuận với bên bán.
Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản vừa bị khởi tố tội "lừa dối khách hàng" khi bán nhà cho cư dân nhưng không làm được sổ đỏ khiến quyền lợi của cư dân bị xâm phạm. Hành vi lừa dối này được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 và trong các bộ luật trước đó.
Về tội "lừa dối khách hàng", mặc dù đã được quy định từ lâu trong Bộ luật Hình sự nhưng rất hiếm trường hợp bị khởi tố về tội này. Hành vi này chủ yếu bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc được phân xử trong các vụ tranh chấp dân sự.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, đây là nhóm tội xử lý trong hoạt động mua bán thương mại, nhằm mục đích đảm bảo việc giao thương, mua bán hàng hóa trung thực, rõ ràng, tuân thủ pháp luật; Xử lý các hành vi mang tính chất “gian thương”, “bán lận” của bên bán trong quá trình mua bán hàng hóa.
Theo ông Hùng, “lừa dối” được hiểu là việc cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu, số liệu… sai thực thật hoặc khiến người khác tin tưởng là thật. “Lừa dối khách hàng” là việc tại thời điểm giao dịch, bên bán khi thực hiện cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa dịch vụ để hưởng lợi một phần giá trị tài sản bất hợp pháp. Người mua không được hưởng đúng theo giá trị, khối lượng, chủng loại hàng hóa thật theo như thỏa thuận với bên bán.
Đối với những hàng hóa đặc thù như bất động sản, bảo hiểm, dịch vụ… (tức là những loại hàng hóa không thể trao tay theo hình thức tiền giao, hàng nhận) thì hành vi “lừa dối khách hàng” thể hiện ở việc giao hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo tính năng, quyền lợi, giấy tờ pháp lý, điều kiện sở hữu/sử dụng như cam kết của các bên khi mua bán hoặc theo quy định của pháp luật.
Theo đó, bên bán cố tình che giấu, cung cấp không đầy đủ thông tin hàng hóa, tính toán khối lượng, giá trị không đúng thực tế khiến cho bên mua không thể thực hiện đầy đủ quyền sở hữu/sử dụng của mình hoặc không thể sử dụng các dịch vụ theo như tính năng cam kết.
Cũng theo vị luật sư này, điểm khác biệt với các tội về gian dối, chiếm đoạt khác (như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản), đó là việc đối tượng không nhằm tới mục đích chiếm đoạt toàn bộ tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, mà tội lừa dối khách hàng chỉ xử lý việc giao hàng thiếu, không đầy đủ, không đảm bảo tính năng cơ bản, không đúng các dịch vụ cam kết… mà dân gian hay gọi với tên dân dã là “mua gian, bán lận”.
“Số tiền chiếm đoạt từ 5.000.000 đồng trở lên là bị khởi tố về tội lừa dối khách hàng và mức hình phạt tối đa đến 5 năm tù. Quy định này nhằm đảm bảo việc mua bán hàng hóa trở nên trung thực, chính xác, người tiêu dùng được hưởng lợi tương xứng với giá trị tài sản họ bỏ ra mua hàng hóa của bên bán”, ông Hùng nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLAW cho hay, người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho khách hàng, nhưng vẫn thực hiện.
Tội lừa dối khách hàng gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định trong Bộ luật Hình sự, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác.
Tuy nhiên, ở tội lừa dối khách hàng, hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Hà cho rằng, có thể thấy pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể, rõ ràng về "Tội lừa dối khách hàng”. Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý kiên quyết đối với những đối tượng phạm tội “Lừa dối khách hàng”; với những vụ việc có tính chất mức độ nghiêm trọng cần tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Đặc biệt, đối với khách hàng, người sử dụng sản phẩm, dịch vụ, nếu phát hiện hành vi lừa dối của người bán hàng, người cung cấp dịch vụ thì cần chủ động trình báo, hợp tác với cơ quan bảo vệ pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình.
Phạt tù tối đa 5 năm
Điều 198. Tội lừa dối khách hàng
1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.