Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tới nay cả nước có hơn 9,2 triệu người có công. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước ta còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ...

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đảng và Nhà nước chăm lo người có công bằng nhiều chính sách cụ thể

Theo TTXVN | 23/07/2022, 20:07

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tới nay cả nước có hơn 9,2 triệu người có công. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước ta còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ...

Chú thích ảnh
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc - Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022), chiều 23.7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi gặp mặt thân mật 75 đại biểu người có công tiêu biểu đại diện cho hàng triệu người có công là lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Trân trọng giới thiệu toàn văn bài Phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp mặt các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc:

Kính thưa các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, các vị thân nhân gia đình liệt sĩ,

Thưa toàn thể các đồng chí,

Hôm nay, tôi rất vui mừng và xúc động được đến dự cuộc gặp mặt thân mật một số đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022). Trước hết, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thành kính tưởng nhớ đến các bậc anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; trân trọng gửi tới các bác, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Thưa các bác, các đồng chí,

Như chúng ta đều biết, cách đây vừa tròn 75 năm (ngày 27.7.1947), khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc ta, triệu người như một, đã nhất tề đứng dậy không sợ gian khổ, hy sinh, quyết bảo vệ nền độc lập, tự do, bảo vệ Nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) với tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"; "Không có gì quý hơn độc lập tự do!". Với tầm nhìn chiến lược hết sức sâu sắc và nhân văn, ngay từ thời điểm đó, ngày 27.7.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Từ đó, ngày 27.7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của Dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. (Đến nay, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh vẫn mang trên mình thương tích của chiến tranh).

Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới đây lại nêu rõ: "Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội". Thực hiện chủ trương đó, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong cả nước đã có nhiều biện pháp và kế hoạch, phong trào phát huy mọi nguồn lực để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Đến nay, đã có hơn 9,2 triệu người có công, bao gồm các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ,... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước ta còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ...

Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài nước cũng đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động và huy động nhiều lực lượng tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" với nhiều hoạt động rất cụ thể, thiết thực như: Xây "Nhà tình nghĩa", lập "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa", tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa", phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng,... Những việc làm đầy trách nhiệm và tình nghĩa đó đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (1947-2022), tôi rất hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và cảm ơn tấm lòng tri ân của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương nói chung, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói riêng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm, góp phần khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình nghĩa thủy chung, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng xác định trách nhiệm của thế hệ sau đối với công lao của các thế hệ đi trước.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người có công tiêu biểu toàn quốc - Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Được gặp mặt các cụ, các bác, các anh các chị, các đồng chí đại biểu tiêu biểu tại Trụ sở Trung ương Đảng hôm nay, tôi thật sự xúc động và rất vui mừng được thấy sức khỏe, đời sống của các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh ngày càng được các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân quan tâm chăm sóc chu đáo, và bản thân các đồng chí cũng có nhiều đóng góp tích cực trong cộng đồng, cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, tiếp tục góp phần xây dựng, phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý của chúng ta.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao ý chí tự lực, tự cường của các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, những mất mát, hy sinh, khắc phục khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt trong bối cảnh hơn 2 năm qua, dưới tác động của đại dịch COVID-19, chúng ta đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để phòng, chống dịch bệnh, dần ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tôi cũng xin cảm ơn và biểu dương các bộ, ban, ngành; các địa phương, cơ quan, đoàn thể, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng; đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tham mưu, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa mức sống của người có công với cách mạng cả về tinh thần và vật chất.

Thưa các đồng chí và các vị đại biểu!

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19.7.2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng", tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, các cơ quan chính quyền, các ngành, các đoàn thể cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với nước, với cách mạng.

Tôi cũng mong muốn và đề nghị các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cũng như mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đó là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Các đồng chí thương binh, bệnh binh với tinh thần "tàn nhưng không phế", cùng thân nhân, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm "Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!".

Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, Dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, một phần rất lớn, rất quan trọng là chúng ta có gìn giữ và phát huy được hay không những giá trị và truyền thống tốt đẹp của Dân tộc, những nếp sống văn hóa, đạo đức "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", "Chị ngã em nâng", "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ",... Mong các đồng chí hãy ghi nhớ và thấm nhuần thật sâu sắc điều đó.

Xin kính chúc các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh cùng tất cả chúng ta sức khoẻ, hạnh phúc và có nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Tôi xin trân trọng cảm ơn! ".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đảng và Nhà nước chăm lo người có công bằng nhiều chính sách cụ thể