Ngày 23.10, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước. Kết quả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trúng cử
15 giờ 15 phút chiều nay, Trưởng Ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường đã công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy, Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Như vậy, căn cứ Nội quy Kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng đã được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021. Các đại biểu Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Sau khi trúng cử, tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ trước Quốc hội: "Tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó".
Sau lời tuyên thệ, tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lời cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước:“Đây là vinh dự to lớn, cũng là trách nhiệm nặng nề. Tôi sẽ nỗ lực thực hiện những lời tôi vừa tuyên thệ.Có người muốn hỏi, muốn biết tâm trạng tôi lúc này như thế nào?Tôi nói thực là vừa mừng vừa lo. Mừng vì được Quốc hội và nhân nhân dân tin cậy yêu mến, lo làm thế nào hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình trước đất nước”.
Ông đánh giátình hình, nhiệm vụ của đất nước ta thuận lợi là cơ bản, thành tích lớn lao nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày này trên trường quốc tế. Ta có quyền tự hào trước các thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua nhưng không được say sưa trước thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Tình hình thế giới gần đây cho thấy không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra nên không được chủ quan.
“Tôi được Quốc hội trao cho nhiệm vụ Chủ tịch nước nhưng vẫn phải đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư, với rất nhiều nhiệm vụ nặng nề, khó khăn. Trong khi đó, tuổi tác đã lớn, như Bác Hồ nói, tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp. Tôi kính mong các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các vị đại biểu quốc hội, đồng bào cử tri thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện”, Tổng bí thư, Chủ tịch nướcNguyễn Phú Trọng chia sẻ.
Riêng về cá nhân, ông Nguyễn Phú Trọngcho biết sẽ ra sức phấn đấu, làm hết sức mình để đáp ứng yêu cầu, tình cảm của nhân dân.
Trước đó, chiều 3.10, tại Hội nghị trung ương 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọngđể Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.
Tổng bí thư khẳng định bây giờ không phải vì "nhất thể hoá" mà đây là tình huống. Không may, Chủ tịch nướcTrần Đại Quang từ trầnđột ngộtdo bệnh hiểm nghèo, giờ khuyết chức danh này thì phải có người sớm thay thế.
Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương thảo luận nhiều phương án. Qua quá trình thảo luận rất dân chủ, rất trách nhiệm, Trung ương thống nhất cao giới thiệu Tổng bí thư để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
"Chúng ta không nên nói Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước vì đây là 2 cơ chế, 2 cơ quan khác nhau, kiêm vai nào chính, vai nào phụ thì không chuẩn. Cũng không nên nói nhất thể hoá, vì không phải nhất thể hoá mà nôm na là bầu cho một người để làm hai công việc", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tiểu sử Tổng bí thư:
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, quê xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.
Trình độlý luận chính trị: Cao cấp; trình độ học vấn: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng); Ngữ văn.
Tóm tắt quá trình công tác:
Từ năm 1957 - 1963: Học sinh trường phổ thông cấp II, cấp III Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội.
Từ năm 1963 - 1967: Sinh viên khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Từ tháng 12.1967 – 7.1968: Cán bộ Phòng Tư liệu Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản).
Từ tháng 7.1968 – 8.1973: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản;Đi thực tập ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (1971), Bí thư Chi đoàn cơ quan Tạp chí Cộng sản (1969-1973).
Từ tháng 8.1973 – 4.1976: Nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Chi ủy viên.
Từ tháng 5.1976 – 8.1980: Cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Phó bí thư Chi bộ.
Từ tháng 9.1980 – 8.1981: Học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.
Từ tháng 9.1981 – 7.1983: Thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa Xây dựng Đảng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.
Từ tháng 8.1983 – 2.1989: Phó trưởng ban Xây dựng Đảng (10.1983), Trưởng ban Xây dựng Đảng Tạp chí Cộng sản (9.1987); Phó bí thư Đảng ủy (7.1985-12.1988), Bí thư Đảng ủy cơ quan Tạp chí Cộng sản (12.1988-12.1991).
Từ tháng 3.1989 – 4.1990: Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Từ tháng 5.1990 – 7.1991: Phó tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Từ tháng 8.1991 – 8.1996: Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Từ tháng 1.1994 đến nay: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII.
Từ tháng 8.1996 – 2.1998: Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban Cán sự đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Từ tháng 12.1997 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VIII, IX, X, XI, XII.
Từ tháng 2.1998 – 1.2000: Phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa và khoa giáo của Đảng.
Từ tháng 8.1999 – 4.2001: Thường trực Bộ Chính trị.
Từ tháng 3.1998 – 8.2006: Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (11.2001-8.2006).
Từ tháng 1.2000 – 6.2006: Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV.
Từ tháng 5.2002 đến nay: Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.
Từ tháng 6.2006 -7.2011: Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.
Từ tháng 1.2011 – 1.2016:Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Bí thư Quân ủy Trung ương.
Từ 2013 đến nay: Tổng bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Tháng 1.2016 đến nay: Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Bí thư Quân ủy Trung ương